4 Bước Vẽ Sơ Đồ Tư Duy Đơn Giản Đẹp Mắt
Sơ đồ tư duy là phương pháp hữu hiệu giúp tăng khả năng ghi nhớ của não bộ và sắp xếp thông tin một cách khoa học. Bài viết hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách vẽ sơ đồ tư duy đẹp mắt và sáng tạo.
Nhiều người cho rằng, sơ đồ tư duy được phát minh vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên bởi nhà triết học Porphyry. Tuy nhiên phải đến những năm 1960, dưới sự nghiên cứu của Tony Buzan – nhà tâm lý học nổi tiếng người Anh thì phương pháp này mới thực sự thành công và phổ biến. Theo triết lý của ông, bộ não được sinh ra là để ghi nhớ và luyện tập. Sơ đồ tư duy chính là tấm bản đồ trí nhớ giúp não bộ tổng hợp và kết nối thông tin hiệu quả. Nguyên tắc vẽ sơ đồ tư duy rất đơn giản. Dù là người mới bắt đầu, bạn vẫn có thể dễ dàng làm quen với phương pháp này.
Nội dung chính trong bài gồm 3 phần:
Sơ Đồ Tư Duy Là Gì?
Não bộ là nơi hình thành tư duy và nhận thức. Chính vì vậy, từ lâu con người luôn tìm tòi những phương pháp giúp não bộ phát triển và ghi nhớ thông tin hiệu quả. Khả năng ghi nhớ càng cao thì cơ hội thành công trong công việc và học tập càng lớn. Trong vô vàn phương pháp ghi nhớ hiện nay, sơ đồ tư duy là phương pháp nổi bật hơn cả. Vậy sơ đồ tư duy là gì?
Sơ đồ tư duy (Mindmap) là phương pháp ghi chú sử dụng chữ, số, hình ảnh và màu sắc được vẽ dưới dạng phân nhánh, từ nhánh chính đến nhánh phụ để liên kết các thông tin với nhau một cách có hệ thống.
Khi Nào Cần Sử Dụng Sơ Đồ Tư Duy?
Bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi và ngành nghề đều có thể sáng tạo sơ đồ tư duy. Với người đi làm, sơ đồ tư duy được dùng khi làm việc nhóm hay thuyết trình dự án. Sơ đồ tư duy cũng thường xuyên được học sinh sử dụng để hệ thống lại kiến thức từng môn học.
Cách Vẽ Sơ Đồ Tư Duy Đẹp Mắt Và Sáng Tạo
Để vẽ một sơ đồ tư duy đẹp mắt và sáng tạo, chúng ta cần thực hiện 4 bước sau:
2. Lựa chọn phương pháp vẽ sơ đồ tư duy đẹp và phù hợp
3. Vẽ chủ đề chính và các nhánh phụ
4. Trang trí sơ đồ tư duy đẹp và thu hút
Bước 1: Xác Định Chủ Đề
Đầu tiên, hãy xác định chủ đề cần phác họa trong sơ đồ tư duy. Sơ đồ tư duy bao gồm một chủ đề chính ở trung tâm và các nhánh nhỏ xung quanh được phát triển từ chủ đề chính đó. Các bạn liệt kê những từ khóa liên quan rồi lựa chọn một từ khóa bao hàm nội dung của các từ khóa còn lại. Đó chính là từ khóa chủ đề mà chúng ta đang tìm kiếm.
Bước 2: Lựa Chọn Phương Pháp Vẽ Sơ Đồ Tư Duy Đẹp Và Phù Hợp
Có 2 phương pháp cơ bản để thiết kế sơ đồ tư duy:
Cùng tạo ra một kết quả nhưng mỗi phương pháp lại có những đặc điểm riêng. Hãy cùng tìm hiểu các ưu nhược điểm cũng như khâu chuẩn bị cho từng phương pháp.
Vẽ Sơ Đồ Tư Duy Bằng Tay
Đây là phương pháp thủ công, thích hợp với phần lớn đối tượng và dễ dàng thiết kế.
Chuẩn bị:
– Giấy hoặc bảng viết.
– Bút: Bút mực, bút màu, bút dạ.
– Tài liệu, sách vở, thông tin liên quan tới chủ đề.
Ưu điểm:
– Tính linh động cao, có thể vẽ sơ đồ tư duy ở bất cứ nơi đâu.
– Phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là những người lần đầu làm quen với sơ đồ tư duy.
– Thao tác chuẩn bị đơn giản.
– Dễ dàng ghi lại các ý tưởng một cách nhanh chóng.
– Không giới hạn sự sáng tạo của người thiết kế.
Nhược điểm:
– Mất nhiều thời gian tư duy.
– Không có sẵn các mẫu thiết kế sơ đồ tư duy để tham khảo.
– Khó khăn trong việc thêm hoặc bớt nội dung sau khi hoàn thiện.
– Nếu người thiết kế không khéo tay, bố cục sơ đồ tư duy có thể đơn điệu, kém bắt mắt.
Vẽ Sơ Đồ Tư Duy Trên Máy Tính, Điện Thoại
Với sự hỗ trợ của máy tính và điện thoại, việc vẽ sơ đồ tư duy sẽ trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.
Chuẩn bị:
– Máy tính (Máy tính PC, laptop, máy tính bảng, điện thoại).
– Ứng dụng, phần mềm để vẽ sơ đồ tư duy.
– Mạng Internet nếu sử dụng các trang vẽ sơ đồ tư duy trực tuyến.
Ưu điểm:
– Sử dụng nhiều chức năng được thiết kế sẵn từ máy tính, điện thoại để hỗ trợ tối đa cho việc vẽ sơ đồ tư duy.
– Chèn hình ảnh, màu sắc, thậm chí là âm thanh, video vào sơ đồ tư duy một cách linh hoạt và không mất nhiều tài nguyên.
– Dễ dàng gửi qua email hoặc chia sẻ với người khác thông các ứng dụng kết nối trực tuyến.
– Có nhiều sự lựa chọn về các ứng dụng hỗ trợ vẽ sơ đồ tư duy như ActivePresenter, Micrsoft Word, Microsoft PowerPoint, các phần mềm về Photoshop, Xmind, Mindmap,…Trong số đó, ActivePresenter là phần mềm đặc biệt có thể tương tác trực tiếp tới sơ đồ tư duy.
Nhược điểm:
– Không phù hợp với các đối tượng chưa biết sử dụng máy vi tính hay các thiết bị công nghệ.
– Có thể mất dữ liệu nếu thiết bị chứa file sơ đồ tư duy bị hư hỏng.
– Không thể tùy ý thiết kế ở bất cứ đâu nếu thiếu phương tiện hỗ trợ.
Tùy vào sở thích và khả năng của mỗi người, các bạn có thể lựa chọn phương pháp vẽ sơ đồ tư duy phù hợp với nhu cầu bản thân.
Bước 3: Vẽ Chủ Đề Chính Và Các Nhánh Phụ
Sơ đồ tư duy gồm các dạng cơ bản như sơ đồ hình cây, sơ đồ bong bóng, sơ đồ đơn luồng, sơ đồ đa luồng, sơ đồ dấu ngoặc,…Tuy có nhiều loại sơ đồ tư duy khác nhau nhưng điểm chung các sơ đồ tư duy đều có cấu tạo gồm 3 phần: Chủ đề chính, nhánh phụ, từ khóa liên kết.
Chủ Đề Chính
Chủ đề chính là phần chủ đạo luôn nằm ở trung tâm sơ đồ tư duy. Tại đây, các bạn có thể dùng hình ảnh minh họa hay sử dụng kích thước, màu sắc của chữ viết nổi bật hơn so với các thông tin còn lại. Chủ đề chính phải bám sát mục tiêu cần ghi nhớ. Không sử dụng các từ tối nghĩa hoặc các hình ảnh không liên quan đến nội dung.
Nhánh Phụ
Nhánh phụ được phát triển và vẽ nối tiếp từ chủ đề trung tâm. Hãy đảm bảo bạn có một khoảng trống đủ rộng để triển khai các nhánh phụ .Tùy vào độ phức tạp của sơ đồ tư duy mà nhánh phụ có thể phân chia thành nhiều lớp như nhánh phụ 1, nhánh phụ 2,…Sơ đồ tư duy luôn hoạt động theo nguyên tắc liên kết thứ cấp: Nhánh phụ 1 triển khai thông tin cho chủ để chính, nhánh phụ 2 triển khai thông tin cho nhánh phụ 1,… Khi vẽ nhánh phụ, các bạn nên vẽ nhánh đường cong thay vì đường thẳng. Điều này giúp sơ đồ tư duy vừa mềm mại, đẹp mắt vừa giúp các bạn tiết kiệm được khá nhiều diện tích xung quanh.
Từ Khóa Liên Kết
Đây là nội dung diễn giải từ chủ đề chính đến nhánh phụ. Từ khóa liên kết cần ngắn gọn và truyền tải thông tin rõ ràng. Mỗi nhánh không nên sử dụng quá nhiều từ khóa. Trong trường hợp từ khóa liên kết dài hơn đường vẽ hoặc hình dạng nhánh phụ, bạn có thể thay thế bằng các ký hiệu hay các từ viết tắt theo ý hiểu của bản thân.
Bước 4: Trang Trí Sơ Đồ Tư Duy Đẹp Mắt, Thu Hút
Ngoài chức năng hỗ trợ khả năng ghi nhớ, sơ đồ tư duy còn được ví như một “tác phẩm nghệ thuật” phản ánh phong cách cá nhân của người vẽ. Hãy làm sơ đồ tư duy của bạn thu hút hơn bằng cách trang trí sao cho thật bắt mắt. Hình ảnh là một kênh thông tin rất tốt được não bộ nhanh chóng ghi lại. Chính vì vậy, chúng ta nên sử dụng những hình ảnh trực quan sinh động để sơ đồ tư duy có thể kích thích não bộ một cách tối đa.
Bên cạnh đó, đừng quên màu sắc cũng là điểm nhấn giúp sơ đồ tư duy dễ đọc hơn. Sử dụng các tông màu vui tươi khác nhau để tô đậm cho từng nhánh. Điều này vừa làm tăng hiệu ứng thị giác vừa phân vùng rõ ràng vị trí của từng nhánh trong sơ đồ tư duy.
Lời Kết
Sơ đồ tư duy là chìa khóa vạn năng giúp chúng ta khai phá tiềm năng vô hạn của não bộ. Nếu bạn muốn tạo một sơ đồ tư duy ấn tượng cho riêng mình nhưng chưa biết triển khai từ đâu, hãy tải phần mềm ActivePresenter để bắt tay ngay vào thực hiện. Với các tính năng hỗ trợ cần thiết cho việc vẽ sơ đồ tư duy, ActivePresenter sẽ giúp các bạn giải đáp bài toán vừa tạo ra một sơ đồ tư duy dễ thương vừa thêm được chức năng tương tác trực tiếp tới các nội dung có trong sơ đồ. Hy vọng với cách vẽ sơ đồ tư duy đẹp mắt và sáng tạo trên, các bạn hoàn toàn có thể vận dụng để cho ra đời các mẫu sơ đồ tư duy độc đáo.
Xem thêm: