Hình thức kiểm tra trực tuyến ngày càng phổ biến trong việc đánh giá và xét tuyển. Việc tạo ra một đề thi trực tuyến có những điểm giống và khác với khi ra đề thi trên giấy. Hãy cùng tìm hiểu những điều cần chú ý khi tạo đề thi trắc nghiệm online trong bài viết hôm nay.
Trước tiên, hãy cùng tưởng tượng trường học sẽ ra sao nếu không có các bài kiểm tra. Có lẽ nhiều học sinh sẽ không muốn ôn bài và luyện tập những gì đã học. Chúng sẽ thảnh thơi và muốn chơi suốt cả học kì. Còn với giáo viên, việc thiếu đi các bài kiểm tra khiến họ khó mà đánh giá được năng lực thực sự của học sinh. Khi không có áp lực thi cử, học sinh ít nhiều mất đi động lực học tập.
Ví dụ trên cho thấy quá trình học tập không thể bỏ qua phần kiểm tra. Cho đến nay, việc kiểm tra vẫn được tiến hành theo nhiều hình thức. Hình thức làm bài trên giấy luôn được nghĩ đến đầu tiên khi nhắc đến thi cử. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát cả trong lẫn ngoài nước, hình thức thi trực tuyến lại có ưu thế rõ rệt. Từ đó, các giáo viên đang dần quen với việc tạo các đề thi online. Vậy, họ cần chuẩn bị gì để tạo đề thi trắc nghiệm online? Cho những ai đang băn khoăn câu hỏi trên, bài viết này sẽ là chìa khóa cho bạn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 7 điều cần chú ý khi tạo đề thi trắc nghiệm online.
7 Điều Cần Chú Ý Khi Tạo Đề Thi Trắc Nghiệm Online
Tạo đề thi trắc nghiệm online có một vài điểm giống và khác so với tạo một bài thi trên giấy. 7 điều dưới đây sẽ làm rõ những việc bạn cần chú ý khi ra đề thi online.
#1. Xác Định Đối Tượng Làm Bài Thi
Điều giáo viên cần chú ý đầu tiên là họ sẽ tạo đề thi trắc nghiệm online cho đối tượng nào. Việc này đúng với bất kì hình thức thi nào. Đối tượng là học sinh lớp mấy? Học viên bao nhiêu tuổi? Sự chênh lệch trình độ giữa các học sinh/học viên có nhiều không? Trình độ và năng lực của người học sẽ là căn cứ để giáo viên đưa ra câu hỏi phù hợp.
Ví dụ, một học sinh lớp 2 thông thường sẽ không làm bài kiểm tra của học sinh lớp 5. Còn trong cùng một lớp, tuy bằng tuổi nhau nhưng khả năng tiếp thu kiến thức của mỗi người lại khác nhau. Có người học rất nhanh, nhưng cũng có người học chậm hơn. Do đó, giáo viên khi ra đề thi cần xác định rõ đối tượng thi để đưa ra câu hỏi thích hợp.
#2. Xác Định Dạng Bài Kiểm Tra
Dạng bài kiểm tra cũng ảnh hưởng đến cách ra đề thi. Các dạng bài kiểm tra thường gặp là kiểm tra 15 phút, 1 tiết, kiểm tra giữa kì, cuối kì… Mỗi dạng có một đặc điểm và cách ra đề riêng.
Cụ thể là, một bài kiểm tra ngắn sẽ khác với bài kiểm tra giữa kì. Bài kiểm tra 15 phút sẽ có ít câu hỏi và thường tập trung kiểm tra kiến thức một bài học nhất định. Mục đích của bài kiểm tra này thường là để xác nhận xem học sinh có nhận biết và hiểu được vấn đề không. Còn bài kiểm tra giữa kì hay cuối kì lại có nhiều câu hỏi hơn. Nội dung bài thi liên quan đến nhiều chương/bài đã học. Song song với việc kiểm tra sự nhận biết và hiểu bài, những kì thi này còn yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức. Nhiệm vụ của họ là áp dụng các quy tắc, công thức, định lý, học thuyết… để giải quyết vấn đề. Như vậy, nó đòi hỏi học sinh phải có năng lực nhận thức cao hơn.
#3. Tìm Nguồn Câu Hỏi Cho Bài Thi Online
Chọn nguồn câu hỏi cũng nằm trong danh sách những điều cần chú ý khi tạo đề thi trắc nghiệm online. Nguồn câu hỏi mà mọi giáo viên nghĩ đến trước tiên là sách giáo khoa hoặc giáo trình sử dụng trong giảng dạy. Đó là nơi bao quát tất cả các vấn đề mà người học đã học. Do đó, việc đầu tiên là giáo viên cần chọn lọc phần kiến thức chung mà tất cả học sinh đều phải nắm được. Đây là yêu cầu tối thiểu của một bài thi. Tiếp đó, giáo viên lấy ra những phần được nhấn mạnh trong mục chú ý hoặc ngoại lệ. Phần này sẽ kiểm tra độ hiểu bài của học sinh.
Image by Freepik
Chú ý, khi ra câu hỏi thì ngữ cảnh, lời dẫn hay yêu cầu đều phải cụ thể. Người ra đề không nên lấy câu hỏi y hệt trong sách giáo khoa ra để cho vào bài thi. Ngoài sách và giáo trình đã học, giáo viên còn có thể tham khảo sách bài tập, sách nâng cao và tài liệu trên Internet. Ở đó có thể có nhiều ý tưởng hay giúp giáo viên xây dựng những câu hỏi tốt để đánh giá học sinh.
#4. Lựa Chọn Loại Câu Hỏi Khi Tạo Đề Thi Trắc Nghiệm Online
Đề thi trắc nghiệm online chắc chắn sẽ có nhiều câu hỏi thuộc dạng trắc nghiệm khách quan. Mỗi loại câu hỏi đều có đặc điểm riêng. Sự đa dạng của các loại câu hỏi trong một bài thi còn tùy thuộc vào đối tượng làm bài và mục đích kiểm tra. Các loại câu hỏi thường gặp là:
- Câu hỏi Đúng/Sai: Loại câu hỏi này giúp giáo viên kiểm tra kiến thức chung của học sinh và phù hợp để kiểm tra phần nhận biết kiến thức. Vì vậy dạng câu hỏi này không phù hợp để đánh giá năng lực học sinh giỏi
- Câu hỏi Trắc nghiệm nhiều lựa chọn: Đây là loại câu hỏi phổ biến nhất trong tất cả các loại câu hỏi trong đề thi. Nó phù hợp với mọi trình độ của học sinh. Khi càng có nhiều lựa chọn, học sinh càng có áp lực để chọn ra đáp án đúng. Do đó, loại câu hỏi này rất hiệu quả và đáng tin cậy.
- Câu hỏi Điền từ vào chỗ trống hoặc Hoàn thành câu: Loại câu hỏi này có thể dùng để đánh giá quá trình hiểu bài của học sinh. Chúng giúp học sinh tăng cường trí nhớ và rèn luyện suy luận logic.
Có thể thấy mỗi loại câu hỏi đều có ưu điểm riêng. Do đó giáo viên có thể áp dụng linh hoạt các câu hỏi này để phù hợp với đề thi của mình.
#5. Thiết Kế Bố Cục Bài Kiểm Tra Trực Tuyến
Khi làm bài thi trắc nghiệm online, học sinh cần nhìn vào màn hình máy tính trong thời gian dài. Điều này khiến học sinh dễ bị mỏi mắt hơn so với khi làm bài thi trên giấy. Để giảm tình trạng này, giáo viên cần thiết kế bố cục bài thi một cách hợp lý. Ví dụ, với loại câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, giáo viên có thể sắp xếp bố cục hai câu hỏi trên 1 trang. Mỗi câu hỏi có 3 – 4 đáp án lựa chọn được cách dòng hợp lý. Nút để chọn đáp án phải dễ nhìn. Nên chọn font chữ cơ bản như Arial cho toàn bài kiểm tra.
Bên cạnh đó, cỡ chữ cũng cần cân đối trong 1 trang, không nên quá to hoặc quá nhỏ. Màu của chữ nên có độ tương phản với màu nền, ví dụ nền trắng – chữ đen. Nếu không thì bố cục tổng thể của bài kiểm tra sẽ rất rối mắt. Với học sinh tiểu học, giáo viên nên cho thêm các câu hỏi có hình ảnh minh họa, ví dụ câu hỏi Tìm điểm khác nhau hoặc tương tác Kéo thả.
#6. Thiết Kế Đề Thi Giúp Chống Gian Lận Thi Cử
Như câu nói “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, những học sinh tinh ranh sẽ luôn tìm ra cách để gian lận khi đi thi. Vậy, thầy cô cần làm gì để chống lại gian lận thi cử? Một số trường có thể chi một khoản tiền để mua phần mềm phát hiện gian lận. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí, các thầy cô cũng có cách để hạn chế tình trạng trên.
Trước tiên, hãy đặt ra quy chế thi cử. Giáo viên cần phải nói trước với học sinh những việc chúng cần làm và không được làm khi thi. Thứ hai, hãy sử dụng những câu hỏi trắc nghiệm khách quan được nêu trong phần trên. Phần mềm tạo câu hỏi cho phép đảo thứ tự đáp án và đưa ra câu hỏi ngẫu nhiên nên học sinh khó mà trao đổi đáp án với nhau. Thứ ba, đặt giới hạn thời gian làm bài cũng là một cách để chống gian lận. Ví dụ, giáo viên có thể đặt thời gian cho mỗi câu là 30 giây. Hoặc là, cài đặt một đồng hồ đếm ngược cho toàn bài thi. Khi đó học sinh sẽ không có thời gian để tìm trợ giúp từ bên ngoài.
#7. Kiểm Tra Sau Khi Tạo Đề Thi Trắc Nghiệm Online
Một điều cần chú ý nữa khi tạo đề thi trắc nghiệm online là thử làm bài. Việc này giúp các giáo viên kiểm tra lại câu hỏi và đáp án trong toàn bài. Khi nhập quá nhiều câu hỏi cùng lúc, người đánh máy có thể nhìn nhầm hoặc nhập sai số. Các lỗi này và lỗi chính tả sẽ được phát hiện rồi sửa lại. Sau đó, một vài thầy cô trong bộ môn có thể thử làm bài để đảm bảo tính chính xác của đề thi. Nếu phát hiện ra vấn đề, hãy bàn luận và tìm cách giải quyết.
Thêm vào đó, việc thử làm đề cũng là cách để phát hiện lỗi về kỹ thuật. Đó có thể là lỗi của máy tính, camera hay kết nối Internet. Ngoài ra, giáo viên nên chuẩn bị bài thi thử cho học sinh. Nó giúp học sinh thực hành sử dụng thiết bị, chọn đáp án và nộp bài.
Lời kết
Trên đây, chúng ta đã tìm hiểu những điều cần chú ý khi tạo đề thi trắc nghiệm online. Bây giờ chính là lúc các bạn bắt tay vào tạo một đề thi cho học sinh của mình. Bạn đang tìm phần mềm tạo đề thi trắc nghiệm online? ActivePresenter chính là một lựa chọn tối ưu cho bạn. Với ActivePresenter, bạn có thể tạo nhiều loại câu hỏi, thêm chú thích, hình ảnh, video và các đối tượng tương tác như nút bấm và ô lựa chọn. Sau đó, bạn có thể xuất bản chúng thành các đầu ra phù hợp như HTML5, gói SCORM hay xAPI. Cuối cùng, hãy chia sẻ bài thi vừa tạo với học sinh. Ngoài ra, phần mềm còn có tính năng ghi màn hình, tạo bài giảng điện tử eLearning và trò chơi tương tác. Các tính năng này giúp ích rất nhiều trong việc giảng dạy. Hãy cùng tìm hiểu thêm về phần mềm của chúng tôi qua Trang chủ và theo dõi Tin tức liên quan.