Last Updated On: February 9, 2023

Việc học tập nhiều khi căng thẳng, trong khi ở ngoài lớp học lại có rất nhiều điều thú vị thu hút học sinh. Vậy, chúng ta phải làm thế nào để tăng khả năng tập trung của người học? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này. 

“Các bạn ơi tập trung làm bài đi! Chỉ còn 1 bài nữa thôi là được nghỉ rồi”, “Học sinh! – Trật tự!”… Các bạn có thấy những câu này nghe rất quen không? Đúng vậy, đó là những câu chúng ta thường nghe trong lớp học, đặc biệt là trong trường phổ thông. Các giáo viên dùng cách này hay cách khác để học sinh của mình tập trung vào bài giảng. Bởi vì, nếu không tập trung nghe giảng thì dễ dẫn đến sai sót. Lấy ví dụ về một tiết học lịch sử. Việc xao nhãng khi nghe giảng có thể khiến học sinh đưa ra những nhận định sai lầm về ý nghĩa các cuộc chiến tranh. Vì vậy, để nắm bắt được đầy đủ thông tin, tập trung khi học tập là điều cần thiết. 

Tăng Khả Năng Tập Trung Của Người Học

Nguồn ảnh: Freepik

Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng tập trung trong giờ học. Nếu là giáo viên, bạn chắc hẳn đã quen với hình ảnh học sinh ngồi trong lớp nhưng tâm hồn lại đang “lang thang đâu đó”. Vậy, thầy, cô giáo cần có những phương pháp nào để tăng khả năng tập trung cho học sinh? Hãy cùng tìm hiểu vấn đề đó trong bài viết hôm nay. Bài viết này sẽ cung cấp thêm thông tin cho các bạn về:

Tổng Quan Về Khả Năng Tập Trung

Trên thực tế, não bộ khó có thể xử lý nhiều thông tin hay giải quyết nhiều việc một lúc. Nói cách khác, mỗi người có một khoảng thời gian tập trung làm gì đó. Nó được gọi là “Khoảng tập trung”. Khoảng thời gian này khác nhau theo từng độ tuổi. Ví dụ, trẻ em dưới 6 tuổi có khoảng tập trung tối đa là 18 phút. Còn trẻ từ 8-12 tuổi thì tập trung được lâu hơn, dao động từ 36-48 phút. Với người lớn, khoảng tập trung càng tăng lên. Điều này cho thấy khả năng tập trung theo thời gian của mỗi người là khác nhau.

Ngoài ra, khả năng tập trung còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Đó có thể là các tác nhân bên ngoài hoặc do sức khỏe của mỗi người. Nó còn phụ thuộc vào mức độ hấp dẫn của hoạt động. Ví dụ, hãy nhìn vào một lớp học. Khi một số học sinh này đang nghe giảng, một số khác có thể đang nghịch điện thoại. Một vài học sinh khác nữa có thể đang ngủ gật hoặc nhìn ra ngoài cửa sổ. Tuy nhiên, những học sinh này lại dành hàng giờ để lên mạng xã hội hoặc chơi game mà không chán nản. Điều này cho thấy, việc cải thiện môi trường học có thể làm tăng sự tập trung của người học. Vậy, các cách để tăng khả năng tập trung của người học là gì?

Làm Thế Nào Để Tăng Khả Năng Tập Trung Của Người Học?

Trong mỗi lớp học luôn có hai đối tượng chính: giáo viên và người học. Cả hai nên và có thể thay đổi hành vi của mình để tăng khả năng tập trung của người học. Nội dung dưới sẽ gợi ý cho bạn vài cách có hiệu quả để làm việc đó. 

Giáo Viên Nên Làm Gì Để Tăng Khả Năng Tập Trung Của Học Viên?

Quản Lý Lớp Học Hiệu Quả

Để tổ chức một lớp học đạt được hiệu quả cao thì giáo viên cần lập ra quy định, kế hoạch và hướng dẫn học sinh làm những việc đúng đắn. Giáo viên cũng cần hành xử chuẩn mực như cách họ muốn học sinh làm theo. Làm như vậy, học sinh sẽ biết được cách lớp học vận hành để không gián đoạn quy trình. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Một lớp học được tổ chức hiệu quả còn phải xây dựng được mối quan hệ giữa giáo viên và người học. Giáo viên cần lắng nghe học sinh, chia sẻ kế hoạch với chúng, tạo một môi trường lớp học bình đẳng.

Hãy thường xuyên mỉm cười, đón học sinh vào lớp. Hãy kéo tất cả học sinh tham gia vào hoạt động của lớp và kết nối chúng. Giáo viên cũng nên đưa ra những phản hồi tích cực với học sinh. Đừng bỏ qua những hành vi không tốt của học sinh này nhưng lại tập trung vào một học sinh khác. Một khi cảm thấy an toàn và thoải mái trong lớp học, các em học sinh sẽ ít bị căng thẳng học đường. Do đó, học sinh sẽ tập trung và học tập tốt hơn khi đến trường.

Tạo Các Bài Giảng Tương Tác

Một trong những vấn đề dễ thấy trong giáo dục cấp cao là sự nhàm chán” (Anna & Thomas & Jill, 2020). Thực ra, đây là vấn đề của mọi cấp học. Người học cảm thấy không có hứng thú với những bài thuyết trình vừa dài vừa chậm với giọng đọc đều đều. Thêm vào đó, các phần ngoài bài giảng cũng dễ dàng khiến người học mất tập trung. Để tránh việc đó, giáo viên cần làm nổi bật mục đích của mỗi bài học. Giáo viên cũng có thể tạo các hình ảnh, video và các câu hỏi tương tác rồi thêm vào bài giảng của mình. Hình ảnh và âm thanh sống động từ các đối tượng tương tác sẽ giúp học sinh hình dung được bài học tốt hơn.

Video hướng dẫn thiết kế hệ Mặt Trời tương tác

Bên cạnh đó, một bài giảng không chỉ là màn độc thoại của riêng giáo viên. Nếu có thể, hãy rút ngắn bài học vào đúng khoảng tập trung của học sinh rồi liên tục yêu cầu chúng xem lại. Hãy thêm thời gian cho các hoạt động nhóm hoặc thảo luận. Những hoạt động này yêu cầu học sinh phải liên tục theo dõi bài học. Do vậy, chỉ có tập trung thì học sinh mới làm tốt các nhiệm vụ trong lớp.

Tận Dụng Các Động Lực Trong Học Tập

Một cách nữa để tăng khả năng tập trung của học sinh là thúc đẩy động cơ học tập của chúng. Học sinh của bạn học chăm chỉ vì phần thưởng? ay vì chúng nghĩ là cần phải học cho tương lai của mình? Câu trả lời cho câu hỏi trên lần lượt liên quan đến Động lực bên ngoài và Động lực bên trong.

Động lực bên ngoài là những hành động như khen ngợi hay thưởng/phạt từ giáo viên hay bố mẹ, bạn bè v..v… Còn động lực bên trong người học mới là động lực mạnh mẽ nhất giúp họ vượt qua giới hạn của bản thân và đạt được kết quả học tập tốt hơn. Động lực bên trong có thể đến từ việc thấm nhuần ý nghĩa của việc học, sự yêu thích, mong muốn tự phát triển và hoàn thiện bản thân. Động lực không tự sinh ra hay mất đi. Người học có thể gia tăng động lực bên trong nếu giáo viên khuyến khích họ làm vậy. Vai trò của giáo viên là khơi gợi cả hai loại động lực cho người học. Khi đã có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng, họ sẽ tập trung để đạt được nó. 

Người Học Nên Làm Gì Để Tăng Khả Năng Tập Trung?

Tham Gia Các Hoạt Động Thể Chất

Các hoạt động thể chất như tập thể dục có thể cải thiện khả năng tập trung của người học. Nguyên nhân là do một chất hóa học được tiết ra trong trong não bộ khi tập thể dục có thể ảnh hưởng đến học tập và trí nhớ. Một nghiên cứu cũng phát hiện rằng, các hoạt động thể chất gia tăng kiểm soát nhận thức. Đó là lý do tại sao các trường học luôn khuyến khích học sinh học môn thể dục và tham gia vào các lớp thể thao sau giờ học. Một vài phút luyện tập thôi cũng có thể tăng cường trí lực và nhận thức.

Tham Gia Các Hoạt Động Thể Chất

Nguồn ảnh: Freepik

Các hình thức luyện tập rất đơn giản, ví dụ như bài tập giãn cơ, đi bộ quanh lớp học. Thường xuyên luyện tập thể thao giúp thân thể khỏe mạnh, trí óc tỉnh táo hơn. Nó còn giúp cải thiện trí nhớ, thậm chí tránh được bệnh trầm cảm. Từ đó, học sinh có tinh thần tốt hơn, tập trung hơn và có thể thành tích học tập sẽ tốt hơn. Vậy, còn chần chừ gì nữa? Đừng ngồi mãi một chỗ suốt các tiết học như thế! Hãy đứng lên, đi ra ngoài và vận động trong giờ giải lao để có một ngày học tập hiệu quả.

Xây Dựng Kỷ Luật Bản Thân

Xây dựng kỷ luật bản thân thực sự có ích trong việc rèn luyện khả năng tập trung của bạn. Luyện thói quen 1 giờ là một ví dụ. Thói quen này làm tăng khả năng tập trung cao độ, giúp bạn hoàn thành nhiều nhiệm vụ một lúc bằng việc luân phiên làm việc và nghỉ ngơi. Ví dụ, bạn muốn đọc hết 3 tài liệu trong 1 ngày. Hãy dành 1 tiếng đồng hồ cho mỗi tài liệu, sau đó nghỉ 10 phút. Trong 1 tiếng đồng hồ, bạn chỉ được đọc 1 tài liệu và không được làm gì khác. Như thế, bạn không còn lựa chọn nào khác, chỉ có thể tập trung làm một việc. Sau 1 tiếng, bạn có thể nghỉ giải lao và làm những việc mình muốn. Cứ như vậy, thói quen 1 tiếng đồng hồ được tiếp diễn.

Hãy nhớ là phải tuân thủ thời gian bạn đã đặt ra. Đến cuối ngày, khi nhìn lại, nhiệm vụ của bạn đã hoàn thành ở một mức nào đó mà bạn vẫn có thời gian thư giãn. Đặt bản thân mình vào một chu trình như vậy thực sự giúp bạn tập trung cao độ để hoàn thành nhiều nhiệm vụ. 

Chơi Trò Chơi Rèn Luyện Trí Nhớ

Bạn có yêu thích trò chơi Tìm cặp thẻ hay Ghép hình không? Nếu có, bạn đang rèn luyện khả năng tập trung cho mình đấy. Các trò chơi tương tự như cờ vua, cờ caro, sudoku v..v.. cũng được coi là một dạng “bài tập” tăng khả năng tập trung. Những trò chơi này vừa vui nhộn, vừa giúp trau dồi trí nhớ. Tần suất chơi càng nhiều, bạn học được cách kiên nhẫn khi gặp trở ngại. Hơn nữa, các trò chơi rèn luyện trí nhớ này được tiến hành dễ dàng ở mọi nơi với chi phí rất tiết kiệm.

Rèn Luyện Trí Nhớ
Father with little son. Family plaus in a chees. Peole at home.

Nguồn ảnh: Freepik

Hãy chơi chúng tại lớp học. Chúng kích thích tính cạnh tranh và tinh thần quyết thắng giữa các người chơi. Từ đó, các bạn học sinh trở nên linh hoạt hơn, lấy lại sự nhanh nhẹn và tập trung. Ngoài ra, khi ở nhà, bạn có thể chơi những trò này một mình hoặc với người thân. Đây là một cách để thư giãn và kết nối với mọi người xung quanh mình. 

Lời kết

Chúng tôi vừa giới thiệu đến các giáo viên và học sinh một số cách tiêu biểu để tăng khả năng tập trung của người học. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, các lớp học trực tuyến dần được kết hợp với lớp học truyền thống. Do đó, hãy tạo những bài giảng tương tác để thu hút sự chú ý của người học. Một phần mềm thiết kế bài giảng eLearning như ActivePresenter sẽ đồng hành cùng bạn làm việc đó. Hãy ghé thăm trang YouTube của chúng tôi để biết thêm nhiều tính năng và hướng dẫn cụ thể. Chúc các bạn một ngày tốt lành!