Các dạng câu hỏi trong bài kiểm tra làm cho cấu trúc đề thi phong phú, giúp đánh giá được nhiều đối tượng học sinh. Hãy tìm hiểu về đặc điểm và ưu nhược điểm của chúng để vận dụng vào bài thi một cách hiệu quả.
Trong bài viết trước chúng ta đã tìm hiểu 7 điều cần chú ý để tạo ra một đề thi online. Một trong số đó chính là chọn các dạng câu hỏi cho vào bài. Các câu hỏi này dùng để kiểm tra và đánh giá học sinh thuộc mọi trình độ. Các dạng câu hỏi được chia thành hai loại chính như sau:
- Câu hỏi trắc nghiệm khách quan phổ biến nhất yêu cầu học sinh chọn đáp án đúng từ nhiều lựa chọn cho trước. Nó có thể có dạng điền một từ/cụm từ ngắn để hoàn thành một phát biểu nào đó. Hiện nay, loại câu hỏi này rất phổ biến trên cả bài thi giấy và bài thi online.
- Câu hỏi tự luận cần học sinh lên ý tưởng và trình bày về một vấn đề nào đó. Học sinh cần nhớ lại và sắp xếp kiến thức của mình theo trình tự logic, tích hợp lý thuyết đã học. Đây là một ví dụ về câu hỏi dạng này: “Trình bày nét đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân”.
Mỗi dạng câu hỏi có đặc điểm và ưu – nhược điểm riêng. Để đánh giá học sinh một cách khách quan và công bằng, giáo viên nên chọn loại câu hỏi phù hợp. Nếu thầy cô đang phân vân nên chọn dạng câu hỏi nào, đừng bỏ qua bài viết này.
Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về 5 loại câu hỏi thường gặp nhất trong bài kiểm tra, đó là:
- Câu hỏi Trắc nghiệm có nhiều lựa chọn
- Câu hỏi Đúng/Sai
- Câu hỏi Hoàn thành câu
- Câu hỏi Nối đáp án
- Câu hỏi Tự luận
5 Dạng Câu Hỏi Trong Bài Kiểm Tra
Trong phần này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về 5 loại câu hỏi trong bài kiểm tra mà học sinh thường gặp.
#1. Câu hỏi trong bài kiểm tra – Câu Hỏi Trắc Nghiệm Có Nhiều Lựa Chọn
Câu hỏi trắc nghiệm có nhiều lựa chọn được coi là “vua” của các dạng câu hỏi. Nó đã được sử dụng hàng chục năm nay ở rất nhiều lĩnh vực. Một câu hỏi dạng này gồm có một câu dẫn. Câu dẫn có thể là một câu hỏi hoặc một phát biểu không đầy đủ. Có khi nó cũng yêu cầu học sinh chọn đáp án đúng nhất. Dưới câu dẫn có 3-5 đáp án cho sẵn được đánh dấu bằng chữ cái (A., B., C.,…) hoặc số (1., 2., 3.,…). Trong các lựa chọn này, chỉ có 1 đáp án đúng và các đáp án còn lại để gây nhiễu. Dạng câu hỏi này phù hợp để nhận định người học có hiểu kiến thức hay không. Ngoài ra nó cũng hợp với việc đánh giá khả năng vận dụng, phân tích, tổng hợp của người học.
Tuy là dạng câu hỏi phổ biến nhất nhưng nó vẫn có ưu – nhược điểm.
Ưu điểm
- Tổng quát kiến thức theo chiều rộng. So với việc viết đáp án hoàn chỉnh, chọn đáp án có sẵn sẽ nhanh hơn rất nhiều. Do đó, số câu hỏi trắc nghiệm sẽ nhiều hơn. Nhiều câu hỏi thì phạm vi hỏi sẽ nhiều hơn, tổng quát được nhiều kiến thức hơn.
- Cơ sở tuyệt vời để thảo luận sau kiểm tra. Sau khi nhìn đáp án của bài kiểm tra, học sinh có thể thắc mắc về tính đúng sai của đáp án. Việc thảo luận tại sao đáp án này đúng còn đáp án kia sai giúp học sinh nhận ra lỗi và củng cố lại kiến thức.
- Dễ dàng chấm điểm. Bài kiểm tra trắc nghiệm dạng này có thể được chấm dễ dàng bằng máy. Ngay cả khi giáo viên trực tiếp chấm bài, họ sẽ không mất thời gian cân nhắc đáp án. Ngoài ra, học viên có thể tự ước lượng điểm của mình sau khi giáo viên đưa ra đáp án.
- Tiết kiệm thời gian làm bài. Học sinh chỉ cần đọc và chọn đáp án có sẵn nên sẽ tiết kiệm thời gian so với viết đáp án đầy đủ. Do đó, các em ấy có cơ hội thử sức ở nhiều mảng kiến thức hơn.
Nhược điểm
- Việc ra đề cần nhiều thời gian. Việc tạo câu hỏi cần khá nhiều thời gian vì giáo viên phải tạo cả các lựa chọn thay thế và đáp án nhiễu. Nếu không, thông tin sai lệch từ các đáp án nhiễu có thể ảnh hưởng đến cách họ nghĩ về chủ đề.
- Có nguy cơ gian lận. Mỗi câu hỏi và đáp án đều có những từ khóa nhất định. Học sinh chỉ cần nhớ được các từ khóa này thì sẽ dễ dàng truyền được nội dung bài kiểm tra ra ngoài.
#2. Câu hỏi trong bài kiểm tra – Câu Hỏi Đúng/Sai
Dạng câu hỏi phổ biến tiếp theo là câu hỏi Đúng/Sai. Hình thức của nó đơn giản hơn câu hỏi nhiều lựa chọn. Một câu hỏi gồm 1 mệnh đề và 2 đáp án Đúng và Sai. Loại câu hỏi này phù hợp để đánh giá sự hiểu biết của học sinh về những quan niệm sai lầm phổ biến. Ví dụ, học sinh phải xác nhận một phát biểu cụ thể là đúng/sai, ít/nhiều, thật/giả v.v.
Loại câu hỏi này không vượt trội như dạng đầu tiên nhưng vẫn có nhiều ưu điểm.
Ưu điểm
- Có thể kiểm tra nhiều kiến thức một lúc. Sự thật là vậy vì một câu hỏi rất ngắn. Học sinh có thể trả lời 3-4 câu hỏi dạng này mỗi phút. Do không mất nhiều thời gian nên số lượng câu hỏi có thể tăng lên, bao quát được nhiều vấn đề.
- Dễ ra đề. Giáo viên chỉ cần nghĩ đến bất kì phát biểu nào có tính đúng sai mà không cần nghĩ thêm đáp án thay thế hay đáp án gây nhiễu. Việc này vừa đơn giản vừa tiết kiệm thời gian.
- Dễ chấm điểm. Chắc chắn rồi! Dù chấm bài bằng máy tính hay chấm trực tiếp thì việc kiểm tra 2 đáp án cũng vừa đơn giản vừa nhanh chóng.
Nhược điểm
- Độ khó thấp. So với câu hỏi có nhiều đáp án, câu hỏi dạng đúng/sai chỉ đưa ra hai đáp án mà không có đáp án nhiễu nên việc suy luận sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
- Dễ đoán mò. Một câu hỏi chỉ có hai đáp án – Đúng hoặc Sai nên học sinh có cơ hội trả lời đúng đến 50%. Cơ hội được điểm cao rất lớn.
- Không phù hợp để đánh giá học sinh giỏi. Do xác suất chọn đáp án đúng rất cao, giáo viên không biết được học sinh hiểu bài hay vô tình chọn đúng. Điều này cho thấy nó không hợp để đo lường năng lực tư duy bậc cao của học sinh.
#3. Câu hỏi trong bài kiểm tra – Câu Hỏi Hoàn Thành Câu
Dạng câu hỏi trong bài kiểm tra tiếp theo là Hoàn thành câu. Chúng ta thường thấy nó ở hai dạng là Điền vào đoạn văn và Điều vào ô trống. Dạng đầu tiên thường thấy ở cả đề thi trên giấy và trên máy, còn loại thứ hai thì phổ biến trên máy tính hơn. Câu hỏi là một mệnh đề hoặc một đoạn văn có chứa chỗ trống. Học sinh cần điền từ hoặc cụm từ đúng vào chỗ trống đó. Nó yêu cầu một câu trả lời chính xác chứ không phải là sự nhận biết đơn giản về tính đúng đắn của câu hỏi. Câu hỏi hoàn thành câu phù hợp để đánh giá mọi trình độ học sinh.
Dạng câu này có một số ưu – nhược điểm như sau:
Ưu điểm
- Hạn chế việc đoán mò. Vì đây là câu hỏi không có gợi ý nên học sinh không còn cách nào khác ngoài suy nghĩ và tìm đáp án đúng.
- Khuyến khích học sinh học tập trung hơn. Nội dung câu hỏi có thể liên quan đến bất cứ phần nào đã học. Hơn nữa, phần đáp án không có lựa chọn sẵn nên học sinh buộc phải tập trung để hiểu bài học.
- Cho phép học sinh đưa ra những đáp án sáng tạo theo suy nghĩ riêng. Học sinh có thể viết đáp án theo ý hiểu của mình mà không phụ thuộc vào đáp án gợi ý. Việc này phản ánh nhận thức của học sinh về vấn đề. Từ đó giáo viên có cái nhìn bao quát về học sinh hơn.
Nhược điểm
- Mất thời gian chấm bài. Học sinh có thể viết đáp án theo ý hiểu nên chỉ có giáo viên mới đánh giá được tính đúng sai của nó. Với những câu như vậy, giáo viên không thể chấm bài bằng máy được nên mất thời gian.
- Có thể dẫn đến việc học rời rạc. Việc ghi nhớ từng phần nhỏ để đạt điểm nên học sinh chỉ học rời rạc các phần được chú ý mà không học toàn bộ.
#4. Câu hỏi trong bài kiểm tra – Câu Hỏi Nối Đáp Án
Nối đáp án cũng là một dạng câu hỏi phổ biến trong bài kiểm tra. Vì học viên phải nối câu hỏi với đáp án đúng nên câu hỏi thường chia thành 2 bên. Một bên là các câu dẫn hoặc vấn đề, bên còn lại là các câu trả lời tương ứng. Nhiệm vụ của người học là đọc câu hỏi ở phần bên trái và tìm đáp án ở cột bên phải. Dạng câu hỏi này cung cấp cách hiệu quả nhất để kiểm tra mối liên quan giữa các đối tượng. Ví dụ, mối quan hệ giữa sự kiện, ngày tháng, nhân vật, địa điểm. Nó cũng phù hợp để kiểm tra học sinh về thí nghiệm, người thí nghiệm, kết quả… Một bài kiểm tra dạng nối khi làm online thì còn có dạng kéo-thả.
Dạng câu hỏi này có một số ưu nhược điểm như sau:
Ưu điểm
- Tối ưu hóa không gian đề thi. Câu hỏi dạng nối đáp án tiết kiệm không gian cho câu hỏi và đáp án hơn nhiều so với câu hỏi lựa chọn hay đúng/sai. Nhờ đó, lượng kiến thức và câu hỏi khá nhiều mà không bị chiếm nhiều diện tích đề thi.
- Có giá trị trong các nội dung có nhiều dữ kiện. Lấy ví dụ như môn Lịch sử, khi có nhiều mốc thời gian, sự kiện và nhân vật, dạng câu hỏi này sẽ kết nối được nhiều thông tin và dữ kiện hơn.
- Hạn chế việc đoán đáp án. Do có nhiều dữ kiện nên việc loại trừ đáp án khó khăn hơn so với câu hỏi lựa chọn.
Nhược điểm
- Học sinh mất nhiều thời gian để làm bài. Mỗi cột thường có từ 4-8 nội dung, học sinh cần đọc cả hai bên và suy nghĩ nên mất nhiều thời gian hơn.
- Không phù hợp với học sinh ở trình độ cao. Học sinh chỉ cần nhận biết mối quan hệ giữa các dữ kiện ở các bên, không cần kiến thức chuyên sâu để làm bài tập dạng này.
#5. Câu hỏi trong bài kiểm tra – Câu Hỏi Tự Luận
Dạng câu hỏi trong bài kiểm tra cuối cùng mà chúng ta tìm hiểu trong bài này là Câu hỏi Tự luận. Loại câu hỏi này gồm một hoặc một vài câu hỏi nhỏ. Nó được chia thành hai dạng chính là Câu trả lời mở và Câu trả lời đóng. Dạng đầu tiên kiểm tra khả năng tổng hợp và đánh giá vấn đề. Câu trả lời tự do được viết dựa trên kiến thức và ý hiểu của học sinh. Dạng thứ hai thường có yêu cầu nhất định như so sánh, phân biệt, câu trả lời thường bao gồm những tham số nhất định. Cũng giống như dạng Hoàn thành câu, học sinh không có đáp án gợi ý nào cả. Học sinh cần dựa trên kiến thức đã học và hiểu biết của mình để viết ra câu trả lời.
Theo đó, dạng câu hỏi khó nhưng dễ được điểm cao này sẽ có những ưu điểm và nhược điểm sau:
Ưu điểm
- Tạo cơ hội cho học sinh thể hiện sự hiểu biết và sáng tạo. Cùng là kiến thức đã học nhưng mỗi học sinh có một cách hiểu khác nhau nên sẽ cho ra câu trả lời khác nhau. Những thứ học sinh viết ra thể hiện sự hiểu biết và sự sáng tạo của chúng.
- Thúc đẩy kỹ năng phân tích và tư duy phản biện. Để trả lời đúng, học sinh cần phân tích vấn đề và sắp xếp chúng theo trình tự logic. Trong quá này, chúng có thể đặt ra câu hỏi hoặc có ý kiến khác với phát biểu được nêu. Đó chính là bước đầu hình thành tư duy phản biện.
- Giúp việc học tập hiệu quả hơn. Thay vì chọn đáp án, học sinh phải viết đáp án một cách cẩn thận. Do đó, chúng phải học kĩ để có thể hiểu, phân tích và trình bày. Vì thế việc học tập trở nên hiệu quả hơn.
- Giúp giáo viên hiểu hơn về quá trình học của học sinh. Câu trả lời của học sinh phản ánh chất lượng học tập, tư duy, chiều sâu hiểu biết của học sinh. Ngoài ra, nó có thể cho thấy những thắc mắc mà học sinh đang gặp phải. Giáo viên có thể biết được điều đó qua bài làm và có phương hướng điều chỉnh phù hợp.
- Phát triển các kỹ năng khác. Các câu hỏi tự luận còn giúp các em xây dựng các kỹ năng thực hành thực tế. Đó chính là rèn luyện kỹ năng viết và thuyết phục. Bất kể họ ở đâu trong cuộc sống, đây đều là những kỹ năng quý giá.
Nhược điểm
- Có nguy cơ đánh giá chủ quan. Đáp án câu hỏi tự luận phải do giáo viên đánh giá. Vì không có đáp án chính xác hoàn toàn nên việc cho điểm dễ dựa vào cảm tính của giáo viên. Thật không hay nếu họ thiên vị học sinh nào đó. Còn học sinh có thể viết bài một cách sáo rỗng để bài làm nghe có vẻ hay hơn.
- Mất thời gian cho cả giáo viên và học sinh. Việc trả lời câu hỏi tự luận cần thời gian để suy nghĩ và sắp xếp ý tưởng. Một vài học sinh có thể hiểu bài nhưng thiếu thời gian để viết đầy đủ những gì mình nghĩ. Còn giáo viên thì mất thời gian để đọc và chấm bài.
Lời Kết
Chúng ta đã vừa tìm hiểu đặc điểm, ưu nhược điểm của 5 loại câu hỏi trong bài kiểm tra. Giờ đây, ngoài các bài kiểm tra trên giấy truyền thống, nhà trường còn có thêm các bài kiểm tra online. Một phần mềm tạo được các câu hỏi cho bài thi online như ActivePresenter là rất cần thiết. Phần mềm này có thể tạo được 11 loại câu hỏi, trong đó có tất cả các câu hỏi vừa nêu trên. Ngoài ra, nó còn cung cấp nhiều tiện ích khác như tạo slide ngẫu nhiên, đồng hồ đếm ngược để bài kiểm tra thêm bảo mật. Hãy cùng tìm hiểu phần tính tăng và xem các video hướng dẫn trên kênh YouTube của chúng tôi để tạo được một bài kiểm tra hiệu quả.
Tải về ActivePresenter và tạo các câu hỏi cho bài kiểm tra trên nhé!
Xem thêm:
Top phần mềm eLearning tốt nhất hiện nay
Cấu trúc bài giảng eLearning chuẩn & Hướng dẫn chi tiết tạo từ A đến Z