Trong một bài giảng eLearning, câu hỏi là một trong những thành tố quan trọng để kiểm tra kiến thức của người học. Làm thế nào để tạo câu hỏi eLearning vừa hiệu quả vừa hấp dẫn? Hãy cùng tìm hiểu và áp dụng 6 mẹo được giới thiệu trong bài viết này.
Câu hỏi eLearning là các câu hỏi được thiết kế sử dụng trong bài giảng trực tuyến. Chúng là phương pháp phổ biến và hiệu quả để kiểm tra và đánh giá năng lực người học. Thông thường, sau mỗi buổi học, giáo viên luôn muốn kiểm tra khả năng tiếp nhận kiến thức của học viên. Từ đó, họ có thể điều chỉnh và thiết kế bài giảng để phù hợp với chương trình học và năng lực của người học. Vì vậy, ngay từ đầu, hãy nắm vững những mẹo sau để tạo câu hỏi eLearning hấp dẫn và hiệu quả.
Mẹo #1. Tạo Câu Hỏi eLearning Gắn Với Mục Đích Của Bài Giảng
Điều cực kỳ quan trọng là các câu hỏi trong bài phải phù hợp với mục tiêu học tập. Hãy mở đầu với các mục tiêu rõ ràng về những gì người học sẽ làm được khi kết thúc khóa học. Tiếp theo, hãy nghĩ đến kỹ năng và trình độ mà bạn muốn người học đạt được. Sau khi lập được các mục tiêu rõ ràng như vậy, hãy viết một lượng câu hỏi phù hợp với mỗi mục tiêu. Cuối cùng, chọn và sắp xếp các câu hỏi thống nhất với kỳ vọng của khóa học.
Thực tế cho thấy, các câu hỏi chỉ có tác dụng khi nó thực sự hỗ trợ và giúp hồi tưởng lại mục tiêu của bài. Đôi khi, nó không cần thiết khi nhiệm vụ của bài học chỉ là nhấp chuột và đọc theo thứ tự để nắm được và chia sẻ thông tin. Ngoài ra, hãy thêm các câu hỏi về áp dụng kiến thức. Các câu hỏi dựa đánh giá hiệu suất học tập thay vì gợi nhớ thực tế rất hữu ích để kiểm tra kiến thức và kĩ năng của người học.
Mẹo #2: Kết Hợp Nhiều Loại Câu Hỏi
Bạn có thể tạo nhiều loại câu hỏi eLearning trong cùng một bài giảng. Các dạng thường gặp là Câu hỏi lựa chọn, Kéo – thả, Điền từ, hay Tự luận. Mỗi loại câu hỏi đều có ưu nhược điểm riêng. Do đó, kỹ thuật chọn lựa và kết hợp nhiều loại câu hỏi cũng rất quan trọng. Chúng mang lại lợi ích cho cả nhà giáo dục và người học theo cách của riêng mình. Kết hợp khéo léo sẽ tối đa hóa cơ hội học tập và phản ánh được năng lực của người học.
Bên cạnh đó, bạn có thể tăng hiệu quả của câu hỏi bằng cách chuyển đổi các câu hỏi lý thuyết truyền thống thành câu hỏi tình huống. Với bối cảnh tình huống thực tế, người học cần vận dụng kiến thức và đưa ra quyết định thay vì nhớ lại thông tin. Từ đó, họ có ấn tượng mạnh về kiến thức, biến chúng thành hành động và ghi nhớ lâu dài.
Mẹo #3: Tạo Các Câu Hỏi eLearning Rõ Ràng Và Súc Tích
Có ai đó thắc mắc “Tôi có thể dùng mẹo để xem người học có thực sự hiểu bài không?” Câu trả lời là KHÔNG.
Hãy nhớ rằng, điều khiến học viên phải suy nghĩ là nội dung kiến thức chứ không phải là từ ngữ. Vì vậy, đừng cố đánh lừa người học bằng cách đặt câu hỏi không rõ ràng. Để các câu hỏi rõ ràng hơn, các bạn cần tránh sử dụng những từ ngữ sau:
- Biệt ngữ hoặc từ vựng hoa mỹ. Hãy chỉ dùng hai loại từ ngữ này trong bài kiểm tra từ vựng.
- Các thuật ngữ mơ hồ và câu phức tạp. Thay vào đó, bạn cần sử dụng từ ngữ phổ biến và đi thẳng vào vấn đề.
- Từ lóng và tham chiếu văn hóa. Những từ ngữ này chỉ nên dùng trong các môn ngôn ngữ, khoa học xã hội. Nếu không, nó thực sự gây bối rối cho người học khi đọc câu hỏi.
- Các mục phủ định. Ví dụ “Câu nào dưới đây KHÔNG…” chỉ được dùng khi bạn thực sự muốn làm người học nhầm lẫn. Nếu bạn cần phải dùng từ phủ định, hãy VIẾT HOA chúng.
Ngôn ngữ đơn giản là chìa khóa cho các câu hỏi ngắn và hấp dẫn. Hãy dùng ngôn ngữ đơn giản nhất có thể khi tạo câu hỏi eLearning. Hạn chế các thông tin không cần thiết (nhưng có liên quan đến câu hỏi). Hãy cố gắng tập trung vào nội dung quan trọng nhất.
Mẹo #4: Viết Các Lựa Chọn Đáp Án Hiệu Quả
Việc nghĩ ra các câu hỏi trắc nghiệm rõ ràng và ngắn gọn đã khó, nhưng tạo ra các phương án trả lời hiệu quả còn khó hơn. Bạn cần tạo ra câu trả lời đúng cùng với các yếu tố phân tâm sai nhưng phải hợp lý. Rõ ràng, làm đáp án sai nghe có vẻ hợp lý thật không đơn giản. Do đó, khi tạo câu hỏi eLearning, hãy nhớ làm cho:
- Thứ tự của đáp án đúng phải ngẫu nhiên và khác nhau.
- Các lựa chọn đáp án chứa cùng một lượng chi tiết và loại trừ lẫn nhau.
- Các phương án trả lời song song về mặt ngữ pháp và có độ dài tương đương nhau.
- Bạn cũng nên cung cấp số lượng đáp án nhất quán cho tất cả các câu hỏi trong bài. Có quá ít lựa giúp người học dễ đoán câu trả lời đúng. 3 – 5 lựa chọn là hợp lý.
Và chắc chắn TRÁNH sử dụng:
- Các thuật ngữ chỉ sự tuyệt đối. Ví dụ, “tất cả”, “luôn luôn”, “mọi”, “chỉ”, “chỉ có”, “phải”, “không bao giờ”, “không một cái nào”, và “không”. Chúng thể hiện sự không có ngoại lệ vì chúng 100% đúng hoặc 100% sai. Theo logic trên, các cụm từ như “tất cả những điều trên” và “không điều nào ở trên” cũng cần tránh.
- Các phương án trả lời kết hợp hai phương án (“A và B đều…”). Nếu có nhiều hơn một câu trả lời đúng, hãy sử dụng câu hỏi có nhiều đáp án.
- Các yếu tố phủ định có xu hướng khiến người học bối rối. Nếu bạn phải sử dụng phủ định trong một lựa chọn, hãy viết IN HOA từ phủ định.
Mẹo #5: Củng Cố Phần Trọng Tâm Bằng Phản Hồi
Sau khi tạo câu hỏi eLearning, các lựa chọn đáp án và các yếu tố gây nhiễu, hãy tiếp tục mở rộng thêm với phản hồi. Phản hồi cho người học biết câu trả lời của họ có đúng hay không. Giờ đây, bạn có thể cung cấp cho họ nhiều hơn thế. Thay vì “Đúng” và “Sai”, hãy thử viết phản hồi có ý nghĩa và mang tính xây dựng giải thích lý do đằng sau mỗi câu trả lời.
Nếu người học trả lời sai, bạn có thể dùng phản hồi để chỉ ra chỗ sai của học viên. Từ đó, họ có cách để khắc phục và cải thiện trong tương lai. Nếu câu trả lời đúng, phản hồi đóng vai trò động viên và củng cố kiến thức. Đặc biệt là khi trả lời đúng bằng cách đoán, phản hồi giúp bổ sung kiến thức của họ.Tóm lại, trong mọi trường hợp, người học có cơ hội để tìm hiểu hoặc xem lại thông tin thông qua phản hồi.
Để tận dụng tối đa phản hồi, bạn nên:
- Điều chỉnh nó phù hợp với mục tiêu học tập. Tận dụng thông tin phản hồi để cho người học thấy họ đạt được từ những gì họ vừa học.
- Tạo phản hồi đơn giản và ngắn gọn. Hãy đi thẳng vào trọng tâm những điều bạn muốn truyền đạt qua phản hồi. Nhớ tránh những thông tin nhỏ nhặt gây xao nhãng.
- Hãy tạo động lực thông qua phản hồi. Thay vì “Xin chúc mừng, câu trả lời của bạn là chính xác!”, hãy thử thay bằng “Chính xác! Thật xuất sắc!”. Và nhớ lựa chọn câu từ và giọng điệu phù hợp cho phản hồi.
- Đưa ra phản hồi kịp thời. Từ đó, người học có thể xác định những gì cần cải thiện ngay khi có thể.
Mẹo #6: Thiết lập Các Câu Hỏi Phân Nhánh
Câu hỏi phân nhánh là mỗi lựa chọn bạn đưa ra sẽ mở ra những khả năng mới hoặc dẫn đến những kết quả khác nhau. Chúng làm cho nội dung trở nên khó đoán và hấp dẫn. Việc phân nhánh thường theo một cốt truyện và phù hợp với nhiều chủ đề. Các ví dụ về phân nhánh là quy định về an toàn, quy tắc tố tụng hay nguyên tắc đạo đức.
Với mục đích thay đổi hành vi, các câu hỏi phân nhánh cho phép người học thực hành kiến thức và kỹ năng của họ. Người học được tự do đưa ra lựa chọn trong một môi trường an toàn mà không gặp phải rủi ro hoặc hậu quả thực tế nào. Khả năng ra quyết định và giải quyết vấn đề của họ được thử thách trong các tình huống thực tế, hoặc có khả năng xảy ra tại nơi làm việc.
Mặc dù về bản chất là phức tạp và tốn thời gian, nhưng các câu hỏi phân nhánh chắc chắn rất đáng để thử. Giờ đây bạn có thể biến câu đố tuyến tính và hơi nhàm chán thành một chuỗi các lựa chọn thực tế phi tuyến tính.
Lời Kết
Trên đây là sáu gợi ý hữu ích về cách tạo câu hỏi eLearning hiệu quả. Nếu đã nghĩ ra mẹo mới hoặc muốn áp dụng các mẹo trên, hãy thực hiện ngay với ActivePresenter. Phần mềm cho phép bạn tạo bài giảng eLearning với 13 dạng câu hỏi thông dụng. Dù là câu hỏi trong bài giảng eLearning hay trò chơi, bạn có thể thêm phản hồi bất cứ lúc nào. Các câu hỏi phân nhánh ư? Các sự kiện – hành động sẽ giúp bạn thực hiện điều này một cách dễ dàng. Đừng chần chừ và lo lắng, hãy tải về và khám phá ngay các tính năng thông minh của ActivePresenter.
Theo dõi trang Facebook, YouTube và các Bài viết của chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích khác.
Xem thêm:
Tạo Đề Thi Trắc Nghiệm Online: 7 Điều Cần Chú Ý