Những Lưu Ý Khi Lựa Chọn Chương Trình Học Tại Nhà
Lựa chọn chương trình học cho giáo dục tại nhà chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bạn hiểu rõ con cái, bản thân và hoàn cảnh gia đình, bạn có thể giảm được vô số áp lực trong việc đưa ra lựa chọn.
Ảnh: Freepik
Cho dù bạn đã có kinh nghiệm giáo dục con cái tại nhà hay chưa, thì làm thế nào để chọn được một chương trình học tập tốt nhất luôn là một thách thức. Bởi, không có chương trình tốt nhất, mà chỉ có chương trình phù hợp nhất. Mỗi người là một cá thể riêng biệt. Chúng ta có những đặc điểm về thể chất và tâm lý khác nhau. Vậy, làm thế nào để chọn ra được chương trình phù hợp với từng đối tượng? Bài viết này sẽ tiết lộ 3 điều:
Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này!
#1. Hiểu Rõ Con Cái
Khi lựa chọn chương trình học tại nhà, điều đầu tiên bạn cần quan tâm chính là con bạn. Hãy coi chúng là trung tâm của quá trình giáo dục cũng như là “khách hàng mục tiêu” của bạn. Hiểu rõ chúng sẽ giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt. Một chương trình học tập phù hợp với phong cách, khả năng học tập cũng như sở thích của chúng sẽ giúp việc học tập trở nên hiệu quả hơn.
Phong Cách Học Tập
Chúng ta tiếp cận kiến thức theo nhiều cách khác nhau do sự khác biệt về phong cách học tập. Một người có thể tiếp thu kiến thức tốt nhất nếu nó được truyền tải theo cách thức phù hợp. Hiểu rõ phong cách học tập là một nhân tố quan trọng để học tập hiệu quả. Mô hình VARK chia phong cách học tập thành 4 loại: thị giác (visual), thính giác (auditory), đọc/viết (read/write) và vận động (kinesthetic). Nếu biết con bạn thuộc phong cách nào, bạn có thể dễ dàng chọn được chương trình học tập phù hợp.
Ví dụ, con bạn thuộc phong cách thị giác. Nếu bạn yêu cầu con đọc sách hay tập làm văn mỗi ngày, chúng sẽ chán nản và mất hứng thú học tập. Do đó, hãy chọn những hoạt động nào bao gồm nhiều yếu tố trực quan như hình ảnh, video.
Khả Năng Học Tập
Tiếp theo, bạn nên lựa chọn chương trình học phù hợp với khả năng của con. Mỗi đứa trẻ có một khả năng khác nhau. Và nó cũng khác nhau ở mỗi lĩnh vực. Một người có thể rất giỏi lĩnh vực này, nhưng lại yếu ở lĩnh vực khác. Ngoài ra, bố mẹ thường có tâm lý chọn chương trình học dựa trên độ tuổi của con. Đây là một sai lầm phổ biến.
Ví dụ, con bạn học lớp 5. Thông thường, bạn sẽ chọn những khóa học và tài liệu dành cho lớp 5. Nhưng nếu con bạn đã học giỏi môn toán lớp 5 rồi, thì bạn có thể nâng lên trình độ cao hơn. Ngược lại, con bạn có thể yếu ở môn ngoại ngữ, bạn có thể hạ thấp trình độ để phù hợp với khả năng của con.
Nói tóm lại, bạn cần biết rõ trình độ học tập của con mình. Nhờ đó, bạn có thể lựa chọn được chương trình phù hợp.
Sở Thích
Chúng ta thường có xu hướng làm tốt những việc mình thích hơn những việc mình không thích. Tương tự, trẻ em có thể học tốt hơn nếu chúng tìm thấy niềm vui trong học tập. Nếu chương trình học liên quan đến sở thích của chúng, chúng sẽ chủ động học tập hơn. Do đó, hãy hỏi xem chúng muốn học gì.
Ví dụ, nếu con bạn thích động vật, bạn có thể đưa chúng đến sở thú hay bổ sung những tiết học về động vật vào chương trình. Nhờ đó, có thể nuôi dưỡng tình yêu thương động vật trong chúng. Nếu chúng thích âm nhạc, bạn có thể cho chúng luyện nghe qua các bài hát. Hoặc, cho chúng học chơi nhạc cụ như piano hay ghita. Chúng sẽ rất cảm kích.
Vì vậy, hãy thêm vào chương trình những bài học liên quan đến sở thích của con. Việc này có thể mang lại khá nhiều lợi ích cho quá trình dạy và học tại nhà.
#2. Quan Tâm Đến Bản Thân
Ngoài việc hiểu rõ con cái, bạn cũng cần nghĩ đến bản thân trước khi lựa chọn chương trình học. Bởi, bố mẹ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình dạy và học tại nhà. Do đó, hãy luôn nghĩ đến bản thân khi đưa ra lựa chọn.
Ảnh: Freepik
Phong Cách Giảng Dạy
Nếu con cái có phong cách học tập, thì bố mẹ cũng có phong cách giảng dạy. Nếu bạn chỉ quan tâm đến phong cách học tập của con mà bỏ qua phong cách giảng dạy của mình, thì bạn sẽ phải kết thúc mỗi tiết học trong chán nản hoặc bỏ dở giữa chừng. Tuy nhiên, khá khó để chọn được chương trình phù hợp cả hai yếu tố trên.
Ví dụ, con bạn thích nghe để lấy thông tin hoặc ôn lại kiến thức. Nhưng, bạn lại không thích đọc thành tiếng hoặc nói cả ngày. Vậy nên, bạn có thể lựa chọn chương trình học đi kèm đĩa CD hoặc sách nói.
Khả Năng Giảng Dạy
Bên cạnh đó, bạn cũng cần cân nhắc khả năng giảng dạy của mình. Bạn có thể dạy tốt tất cả các môn học? Bạn có thể dành ra bao nhiêu thời gian mỗi ngày cho việc giáo dục con cái? Làm sao để cân bằng giữa việc dạy con và các công việc thường ngày khác? Bạn sẽ phụ trách bao nhiêu đứa trẻ? Những yếu tố này sẽ giúp bạn quyết định chọn chương trình học cần ít hay nhiều sự tham gia của bạn.
#3. Xem Xét Hoàn Cảnh
Hoàn cảnh gia đình là mối quan tâm thứ ba mà bạn cần xem xét trước khi lựa chọn chương trình học tại nhà.
Ưu Tiên
Ưu tiên của bạn đối với việc học của con là gì? Câu trả lời sẽ giúp bạn giảm áp lực khi đưa ra lựa chọn. Mỗi gia đình sẽ có những mối ưu tiên khác nhau, thậm chí đối với từng đứa trẻ. Và, nó có thể thay đổi qua các giai đoạn/năm học.
Ví dụ, nếu con bạn học lớp 1, Tiếng Việt và Toán sẽ là những môn học ưu tiên hàng đầu. Nhưng nếu bạn có dự định cho con đi du học, thì ngoại ngữ là môn học không thể bỏ qua.
Ngoài ra, kế hoạch học tập cũng nên được xây dựng dựa trên tiêu chí này. Ví dụ, bạn ưu tiên môn Toán, hãy sắp xếp nhiều thời gian cho môn này hơn các môn khác.
Tài Chính Gia Đình
Tài chính gia đình cũng chi phối quyết định của bạn. Trước khi lựa chọn chương trình học, bạn cần xác định ngân sách dành cho việc này là bao nhiêu. Đôi khi bạn tìm được một khóa học/tài liệu hay nhưng lại vượt quá ngân sách. Vậy, trường hợp này nên giải quyết như thế nào?
Nên nhớ rằng, những khóa học hay tài liệu học tập chỉ là những công cụ hỗ trợ trong quá trình dạy và học tại nhà. Một số đứa trẻ vẫn có thể học tốt ngay cả khi không sử dụng chúng. Nếu bạn không thể chi trả cho những khóa học hay tài liệu đắt tiền, bạn cũng đừng lo lắng. Hãy tìm kiếm một lựa chọn hợp lý hơn. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các nguồn tài liệu miễn phí. Ví dụ như Khan Academy – website học trực tuyến miễn phí cho mọi lứa tuổi.
Chú ý, khi mua một khóa học, bạn không nên chỉ nhìn vào giá của nó. Bạn cần tìm hiểu những chi phí phát sinh đi kèm. Ví dụ, dụng cụ học tập như màu vẽ, bút vẽ (khóa học vẽ), máy tính Casio, bộ thước eke (khóa học Toán),…
Lời Kết
Nếu đọc đến đây, chắc hẳn bạn đã biết làm thế nào để lựa chọn chương trình học tại nhà phù hợp nhất. Hi vọng bài viết này cung cấp cho bạn nhiều thông tin bổ ích. Đừng quên ghé thăm trang tin tức của chúng tôi để cập nhật thêm nhiều bài viết khác.
Xem thêm: