(Last Updated On: November 24, 2022)

Giáo dục tại nhà có nghĩa là cha mẹ sẽ tự giáo dục con cái thay vì gửi chúng đến trường học. Hãy cùng tìm hiểu hình thức này có những ưu điểm và nhược điểm gì trong bài viết hôm nay. 

Giáo dục tại nhà là một khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, nó không còn xa lạ đối với các nước phương tây. Trong những năm gần đây, số học sinh học tại nhà ngày càng gia tăng. Theo khảo sát của US Census Bureau Household Pulse, con số này tại Mỹ đã tăng gấp đôi, lên tới 5 triệu người trong giai đoạn 2020-2021. Ngày càng có nhiều phụ huynh áp dụng hình thức giáo dục này. Ngoài ra, hình thức này cũng đã và đang thu hút được sự chú ý của các thầy cô cũng như truyền thông. Vậy, hình thức giáo dục này có những ưu và nhược điểm nào. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết hôm nay.

Bài viết có 3 nội dung chính:

  1. Giáo dục tại nhà là gì?
  2. Ưu điểm 
  3. Nhược điểm 

Giáo Dục Tại Nhà Là Gì?

Giáo dục tại nhà có nghĩa là cha mẹ sẽ tự dạy dỗ con cái, thay vì cho chúng đến trường học. Nhưng học tại nhà không có nghĩa là tất cả các hoạt động học tập chỉ diễn ra ở nhà. Nó có thể diễn ra ở bất cứ đâu: công viên, bảo tàng hay những chuyến đi. Cha mẹ sẽ đảm nhận vai trò giảng dạy. Hoặc, kết hợp với gia sư hay các phụ huynh khác.    

Giáo dục tại nhà

Ảnh: Freepik

Ưu Điểm Của Giáo Dục Tại Nhà

Dưới đây là 4 ưu điểm nổi bật của giáo dục con cái tại nhà đối với phụ huynh và học sinh: 

Tự Do và Linh Hoạt

Dạy và học ở nhà tất nhiên sẽ thoải mái và tự do hơn ở trường. Bạn có thể dạy con mọi lúc, mọi nơi và theo cách bạn muốn. Trong khi học ở trường, học sinh sẽ phải tuân thủ hàng tá nội quy và quy định. Ngoài ra, bạn có thể xây dựng chương trình, lộ trình học tập cũng như phương pháp giảng dạy phù hợp. Ví dụ, bạn có thể tự điều chỉnh tùy theo năng lực của con. Thường xuyên luyện tập những phần kiến thức khó hoặc con chưa thông thạo. Bỏ qua hoặc tăng tốc ở những chỗ con đã thông thạo. Điều này khó mà thực hiện được nếu con bạn học ở trường.  

Học Tập Được Cá Nhân Hóa 

Mỗi đứa trẻ sinh ra là một cá thể riêng biệt. Chúng có những sở thích và khả năng khác nhau. Do đó, cha mẹ có thể xây dựng kế hoạch học tập dựa trên những đặc điểm này. Ví dụ, con bạn thích học qua video, hình ảnh. Bạn hãy thêm các yếu tố hỗ trợ trực quan vào giờ học để đạt được hiệu quả. Giáo dục tại nhà cũng cho bạn cơ hội để phát hiện những thiên hướng hay tài năng bẩm sinh của con. Nhờ đó, bạn có thể tăng thời gian luyện tập để giúp con phát triển.  

Môi Trường Học Tập An Toàn

Học tập tại nhà có thể bảo vệ con khỏi những tác động xấu từ xã hội. Khi đi học, các con có thể bị lạm dụng hay bạo lực học đường. Hơn nữa, ngoài cổng trường đầy rẫy những món đồ độc hại như vẫn được đưa tin trên báo đài. Các con quá non nớt để có thể nhận thức được những hiểm nguy đang rình rập.     

Bạo lực học đường

Ảnh: Freepik

Ngoài ra, khi đại dịch Covid-19 còn chưa kết thúc, học tập tại nhà cũng giúp làm giảm khả năng lây nhiễm. 

Mối Quan Hệ Gia Đình Thêm Khăng Khít

Khi chọn hình thức dạy và học tại nhà, bạn sẽ có nhiều thời gian bên con hơn. Nhờ đó, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ trở nên khăng khít. Mối quan hệ vợ chồng cũng được cải thiện. Cả hai người cùng hỗ trợ nhau trong việc giáo dục con cái. 

Nhược Điểm Của Giáo Dục Tại Nhà

Như đã nói ở trên, giáo dục tại nhà mang lại khá nhiều lợi ích. Tuy nhiên, điều gì cũng đều có hai mặt. Hình thức giáo dục này vẫn tồn đọng một vài bất lợi mà cha mẹ cần lưu ý. 

Khó Hòa Nhập Xã Hội

Nói đến nhược điểm của giáo dục tại nhà, có lẽ phải kể đến đầu tiên là khó hòa nhập xã hội. Những đứa trẻ học tập tại nhà có ít cơ hội giao lưu và kết bạn hơn. Trong khi nếu học ở trường, chúng được học tập trong môi trường tập thể. Chúng có thể dễ dàng kết bạn. Việc giao lưu và kết bạn giúp chúng phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, cũng như các kỹ năng xã hội. 

Bạn cùng lớp

Ảnh: Pixabay 

Thói Quen Sống Trong Gia Đình Thay Đổi 

Từ trước đến giờ, cha mẹ có vai trò cơ bản là làm cha mẹ. Nhưng khi chọn hình thức học tại nhà, bạn phải kiêm cả vai trò là giáo viên và quản lý của con. Khối lượng công việc sẽ gấp hai, gấp ba so với trước đây. Ngoài việc lên lớp, bạn phải làm rất nhiều công việc “hậu trường” khác. Ví dụ, tạo kế hoạch giảng dạy, tổ chức các chuyến đi thực địa,… Do đó, thời gian biểu của gia đình cũng bị thay đổi. Bạn cũng có ít thời gian cho bản thân hơn trước.  

Bên cạnh đó, hình thức giáo dục này cũng ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình. Bạn phải chi nhiều hơn cho các khóa học, tài liệu giảng dạy,… Dành thời gian dạy con cái khiến bạn có ít thời gian hơn để kiếm thêm thu nhập. Do đó, gia đình cũng phải thắt chặt chi tiêu hơn trước. 

Đối với những cha mẹ đơn thân, việc này càng thêm áp lực.  

Thiếu Trang Thiết Bị 

Trường học truyền thống thường được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở vật chất. Nhờ đó, quá trình học tập sẽ được diễn ra thuận lợi và hiệu quả nhất. Ví dụ, tiết học nhạc có đàn, các tiết thực hành Hóa học hay Vật lý có đầy đủ các dụng cụ, hóa chất,… Trong khi, điều này dường như rất khó để thực hiện đối với giáo dục tại nhà. 

Giáo dục tại nhà

Ảnh: Freepik 

Tương Tác Quá Mức

Thông thường, trẻ em sẽ dành nửa ngày hoặc một ngày cho học tập và thực hiện các hoạt động ở trường học. Nhưng nếu học tại nhà, cha mẹ sẽ phải đối đầu với chúng 24/7. Việc này có thể làm chúng cảm thấy bị hạn chế. Bởi chúng luôn phải chịu sự kiểm soát của bố mẹ. Về phía cha mẹ thì sao? Cha mẹ có thể cảm thấy thất vọng hoặc mất kiểm soát khi con cái cư xử sai hoặc giảng mãi mà con không hiểu. 

Lời Kết

Như vậy bạn vừa được tìm hiểu về giáo dục tại nhà và những ưu – nhược điểm của nó. Tuy hình thức này chưa được công nhận tại Việt Nam, nhưng trong một vài trường hợp đặc biệt, cha mẹ vẫn có thể áp dụng. Ví dụ trẻ khuyết tật hoặc trẻ chậm phát triển. 

Nếu bạn đang tìm kiếm một công cụ soạn thảo bài giảng điện tử, thì phần mềm ActivePresenter 8 sẽ là sự lựa chọn hữu ích. Phần mềm này cho phép:

  • Thiết kế khóa học điện tử
  • Tạo câu hỏi tương tác
  • Tạo các trò chơi giáo dục
  • Và nhiều hơn nữa

Hãy tải miễn phí và thử ngay hôm nay!

activepresenter 9
activepresenter 9

Ngoài ra, hãy theo dõi trang tin tức và kênh YouTube của chúng tôi để cập nhật thêm những bài viết và video bổ ích.

Xem thêm