(Last Updated On: November 24, 2022)

Giáo dục cảm xúc xã hội mang đến những giá trị tích cực cho sự phát triển của học sinh và nền giáo dục. Hãy cùng tìm hiểu cách thức ứng dụng hình thức giáo dục này trong các trường học hiện nay. 

Bạo lực, bắt nạt, lo âu, trầm cảm, căng thẳng.v.v. Ngày càng có nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần nảy sinh trong trường học. Và học sinh phải đối mặt từng ngày. Nếu không giáo dục các kỹ năng cảm xúc xã hội, các em sẽ gặp nhiều rất nhiều khó khăn trong học tập, giao tiếp và cuộc sống. Do đó, giáo dục cảm xúc xã hội được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Không chỉ trong các trường học, toàn xã hội cũng đang quan tâm đến hình thức giáo dục này. 

giáo dục cảm xúc xã hội trong trường học

Nguồn ảnh: Freepik

Để có cái nhìn bao quát hơn, hãy cùng tìm hiểu những phần chính: 

Giáo Dục Cảm Xúc Xã Hội Là Gì? 

Giáo dục cảm xúc xã hội hay còn gọi là Social-emotional learning (SEL). Bạn sẽ thấy rất nhiều sách hay các tài liệu đề cập đến hình thức giáo dục này khi tìm kiếm trên Internet. Phải kể đến các tác giả nổi tiếng như William Rabas, Tara Flippo, và Dianne Schilling, v.v. Mỗi tác giả đều đưa ra những cách lý giải khác nhau về giáo dục cảm xúc xã hội. Tuy nhiên, họ đều thống nhất một quan điểm. Giáo dục cảm xúc xã hội giúp áp dụng một cách hiệu quả các kiến thức, kỹ năng, và thái độ trong việc:

  • Quản lý và kiểm soát cảm xúc của bản thân và của người khác.
  • Đặt ra những mục tiêu tích cực và nỗ lực để đạt được.
  • Thiết lập và duy trì các mối quan hệ một cách tích cực.
  • Chịu trách nhiệm khi đưa ra các quyết định. 
Giáo dục cảm xúc xã hội là gì

Nguồn ảnh: Freepik

Giáo dục cảm xúc xã hội bao gồm 5 nhóm năng lực. Đó là:

Tự Nhận Thức

Tự nhận thức đề cập đến việc nhận ra các cảm xúc và giá trị của mỗi cá nhân. Nói cách khác, đó là khả năng nhận ra những điểm mạnh, điểm cần cải thiện ở bản thân. Nó cũng hướng đến phát triển tư duy tích cực và tăng thêm niềm tin vào bản thân mình. 

Tự Kiểm Soát

Tự kiểm soát hướng đến việc điều chỉnh nhận thức, cảm xúc, hành vi của bản thân trong những hoàn cảnh khác nhau. Nói cách khác, bạn có thể quản lý, kiểm soát được những căng thẳng và bất ổn trong nội tâm của mình. Ngoài ra, bạn có khả năng thiết lập và đạt đến những mục tiêu của cá nhân và trong giáo dục.

Nhận Thức Xã Hội

Nhận thức xã hội đề cập đến khả năng thấu cảm. Đó là sự thấu hiểu con người trong mọi hoàn cảnh xã hội hay nền văn hóa. Đồng thời, nó cũng hướng đến việc nhận thức và hành động theo những chuẩn mực đạo đức của gia đình, nhà trường và xã hội. 

Duy Trì Các Mối Quan Hệ

Năng lực duy trì các mối quan hệ giúp các cá nhân duy trì được những mối quan hệ phù hợp với quy chuẩn của xã hội. Nó bao gồm nhiều kỹ năng như lắng nghe tích cực, phản hồi tích cực. Bên cạnh đó, năng lực giải quyết vấn đề và tìm kiếm sự trợ giúp cũng được hướng đến.

Chịu Trách Nhiệm Khi Quyết Định

Năng lực này đề cập đến việc đưa ra những quyết định thấu đáo trong hành vi hay các mối quan hệ xã hội trong các hoàn cảnh khác nhau. Ngoài ra, nó cũng bao gồm cả việc cân nhắc các tiêu chuẩn đạo đức. Đồng thời, đưa ra những đánh giá thực tế về những hành vi ảnh hưởng đến hạnh phúc của con người.

Tại Sao Giáo Dục Cảm Xúc Xã Hội Là Mảnh Ghép Quan Trọng Của Nền Giáo Dục Hiện Đại? 

Như vậy, chúng ta vừa cùng tìm hiểu những thông tin cơ bản về giáo dục cảm xúc xã hội. Có thể thấy rằng, không ai có khả năng giải quyết linh hoạt mọi vấn đề trong cuộc sống ngay từ khi mới lọt lòng. Tất cả các kĩ năng, năng lực đều cần được trau dồi, cải thiện qua thời gian. Và dường như, trường học là nơi thích hợp nhất để làm thực hiện những điều đó. Học sinh có thể được học tập, được phát triển và hoàn thiện các kỹ năng cảm xúc xã hội. 

Học sinh được phát triển các kỹ năng xã hội

Nguồn ảnh: Freepik 

Trong thế giới hiện đại, giáo dục cảm xúc xã hội không chỉ cần thiết cho học sinh. Hơn thế, những người trưởng thành cũng không phải là ngoại lệ. Giáo dục cảm xúc xã hội cung cấp cơ sở cho tương tác xã hội, mối quan hệ tích cực và những đánh giá phù hợp. Nói cách khác, nó đặt nền tảng cho môi trường học tập thân thiện, an toàn và năng động. Nhờ đó, học sinh được trang bị những kỹ năng cơ bản để thích ứng tốt với nghề nghiệp và cuộc sống trong tương lai. Họ có thể tiếp tục học tập để nâng cao trình độ ở những bậc học cao hơn. Hoặc, họ sẽ đạt được những mục tiêu trong công việc và cuộc sống. Thế hệ trẻ sẽ trở thành những công dân có ích, đáp ứng nhu cầu của xã hội. 

Làm Sao Để Thực Hiện Việc Giáo Dục Cảm Xúc Xã Hội Trong Các Nhà Trường? 

Hiện nay, học sinh có thể được trau dồi các kỹ năng học giáo dục cảm xúc xã hội thông qua nhiều phương thức linh hoạt. Thầy cô có thể cân nhắc một số gợi ý dưới đây:

#1. Truyền Tải Năng Lượng Hạnh Phúc Đầu Giờ Học

Hãy tạo ấn tượng tích cực và truyền tải nguồn năng lượng hạnh phúc đến học sinh ngay đầu giờ học. Điều này không chỉ tạo tâm thế tốt và thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy trò. Hơn thế, nó giúp xây dựng bầu không khí lạc quan, vui tươi cho lớp học. Chính vì lý do này, chiến lược Positive Greetings at the Door đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều trường học trên toàn thế giới. Hình ảnh người giáo viên đứng ở cửa lớp học chào đón học sinh đến lớp thực sự là một hình ảnh đẹp. Thầy cô sẽ trao cho học sinh những chiếc ôm, nụ cười, cái bắt tay, đập tay.v.v. Nó không mất quá nhiều thời gian để thực hiện những hành động đó. Nhưng hiệu quả đem lại thực sự to lớn.

Truyền tải năng lượng hạnh phúc đầu giờ học

Nguồn ảnh: Freepik

Tại những lớp học trực tuyến như hiện nay, những “lời chào” trực tiếp như vậy có phần bị hạn chế. Thay vào đó, thầy cô hãy dành một lời chào tích cực và một nụ cười nồng ấm với học sinh. Một hành động nhỏ nhưng có thể truyền nguồn cảm hứng và năng lượng hạnh phúc.

#2. Phát Huy Vẻ Đẹp Của Văn Chương

Văn học là nhân học”, “Dạy chữ, dạy người”. Quá trình giáo dục học sinh không chỉ hướng đến truyền đạt kiến thức. Hơn hết, giáo dục là hướng đến bồi đắp tâm hồn cho thế hệ trẻ. Đó cũng là lý do người giáo viên được xem là những “kỹ sư tâm hồn”. 

Giáo dục cảm xúc xã hội được thực hiện qua những áng thơ văn cũng là một cách thú vị. Thay vì trực tiếp đọc lên tác tác phẩm của bài học, thầy cô hãy để học sinh thực hiện nhiệm vụ đó. Không chỉ một, mà một vài học sinh có thể đọc tiếp nối nhau. Sau khi đọc, thầy cô có thể hỏi học sinh về cảm xúc, suy nghĩ của họ về tác phẩm hay các nhân vật. Chính học sinh sẽ tự tóm tắt diễn biến sự việc hay nêu lên cảm nhận của mình. Quá đó, học sinh sẽ hiểu hơn về tác phẩm. Đồng thời, mỗi học sinh sẽ biết nhìn nhận cái tốt/xấu, cái đúng/sai, biết trân trọng những giá trị tốt đẹp hay phê phán những điều sai trái.

#3. Tổ Chức Hoạt Động Nhóm 

Chúng ta đang sống trong một xã hội với các mối quan hệ đa dạng. Những bài học về kỹ năng sống không chỉ giúp sinh tồn mà còn giúp các cá nhân phát triển. Trường học là một xã hội thu nhỏ. Tất cả các kỹ năng cần được hình thành, rèn giũa và phát triển tại đây. Và làm việc nhóm là một cách tuyệt vời để trau dồi kỹ năng sống.

Làm việc nhóm đặt học sinh vào một vai trò mới. Nếu như trong các gia đình, các em thường được xem là trẻ nhỏ, ít được tham gia đóng góp ý kiến. Thì giờ đây, hoàn cảnh đã hoàn toàn khác. Học sinh sẽ tự học cách đưa ra và bảo vệ quan điểm của mình. Tuy nhiên, các em cũng sẵn sàng lắng nghe ý kiến và góp ý, chia sẻ của các bạn khác. giáo dục cảm xúc xã hội được thể hiện sống động thông qua các hoạt động nhóm. Làm việc nhóm hiệu quả giúp từng thành viên trong nhóm phát triển năng lực giao tiếp, thương lượng và cả khả năng lãnh đạo. 

Học sinh làm việc nhóm

Nguồn ảnh: Freepik

#4. Viết Phản Hồi

Cuộc sống không dễ dàng với tất cả mọi người. Đôi khi, có những điều khiến chúng ta cảm thấy thật khó nói ra bằng lời. Vậy, viết ra là một cách tuyệt vời để bày tỏ những điều khó nói. Và giáo dục cảm xúc xã hội cũng được thể hiện thông qua việc viết phản hồi. 

Ở hoạt động này, giáo viên có thể dành một vài phút cuối buổi học để học sinh viết ra những ý kiến của mình. Đó có thể là những cảm xúc tích cực/tiêu cực hay những băn khoăn, thắc mắc. Hãy tạo bầu không khí cởi mở, thoải mái để học sinh có thể bày tỏ ý kiến. Chính những nét chữ ấy cũng giúp học sinh giảm bớt những căng thẳng trong học tập. Ngoài ra, nó cũng cải thiện khả năng kiên nhẫn và năng lực tự nhận thức bản thân. Bởi khi viết ra, các em sẽ tự nhìn nhận lại những trải nghiệm của bản thân mình.

Lời Kết

Như vậy, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về giáo dục cảm xúc xã hội trong bài viết hôm nay. Hy vọng, thầy cô sẽ tích hợp những hoạt động linh hoạt giúp học sinh phát triển các kỹ năng giáo dục cảm xúc xã hội. Nếu thầy cô đang tìm kiếm một phần mềm thiết kế các bài giảng tương tác hấp dẫn, góp phần bồi đắp trí tuệ cảm xúc cho học sinh, đừng quên ActivePresenter. Tải về phần mềm và trải nghiệm mọi tính năng tuyệt vời. Liên hệ với chúng tôi nếu thầy cô và các bạn cần bất cứ sự hỗ trợ nào.

activepresenter 9
activepresenter 9

Xem thêm