🔔Black Friday 2024 – ActivePresenter sale từ 45% mọi phiên bản. Đừng bỏ lỡ!
Mua ngay

Học Tập Qua Dự Án – Phương Pháp Học Tập Của Thế Kỷ 21

by | Nov 3, 2022

Last Updated On: November 24, 2022

Nhà Tâm lí học người Thụy Sĩ Jean Piaget từng nói: “Kiến thức là kết quả của trải nghiệm”. Quả thực, “học đi đôi với hành”. Đây là cách nhanh nhất giúp chúng ta đến gần hơn với nền văn minh của nhân loại. Thực tế, mỗi ngày con người đều phải đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống. Việc giải quyết những vấn đề ấy chính là nền tảng của sự phát triển. Nếu chúng ta mong muốn học sinh thành công trong tương lai, chúng ta cần hướng họ đến việc tích lũy kiến thức dựa trên việc giải quyết các vấn đề thực tế. Trên cuộc hành trình đó, Học tập qua dự án (Project-Based Learning) được xem là phương pháp học tập của thế kỷ 21. Hãy đọc bài viết để có được cái nhìn tổng quan về phương pháp học tập này.

Kiến thức là kết quả của trải nghiệm - học tập qua dự án

Nguồn ảnh Pintera Studio từ Pixabay

Học tập qua Dự án là gì? 

Nhìn chung, Học tập qua dự án là phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Nó mang đến cho học sinh cơ hội để mở rộng kiến thức nền tảng. Đồng thời, phát triển các kỹ năng thông qua thực hiện các dự án giải quyết những vấn đề họ có thể gặp phải trong thực tế cuộc sống.

Học tập qua Dự án cấu trúc lại chương trình học tập từ những dự án rời rạc, đặt ra cho người học những câu hỏi phức tạp buộc người học phải trả lời để giải quyết vấn đề. Những dự án thường quá sức nếu một học sinh thực hiện cá nhân. Do vậy, Học tập qua dự án khuyến khích người học làm việc theo nhóm. Học sinh có thể làm việc theo cặp đôi hoặc theo nhóm. Họ cùng tiến hành nghiên cứu, phân tích thông tin và đưa ra kết luận riêng. Nhờ đó, họ hiểu sâu kiến thức và phát triển nhiều kỹ năng. Họ dần trở thành công dân toàn cầu, đáp ứng xu hướng phát triển của thế giới.

Học tập qua Dự án là gì

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng Học tập qua Dự án đã thay đổi phương pháp dạy học truyền thống. Nó đã thay đổi cách thức học tập thụ động và học vẹt. Phương pháp học tập này thúc đẩy người học tích cực, chủ động tham gia vào tiến trình học tập. Nó tối ưu hơn hẳn việc cố gắng nhồi nhét kiến thức để vượt qua các bài kiểm tra. Ngoài ra, Học tập qua Dự án cũng là một lời gợi ý để khiến khóa học trực tuyến của bạn tương tác hơn. Hơn thế, nó giúp trao quyền làm chủ cho học sinh.

Lợi ích của phương pháp Học tập qua Dự án

Khi nghe tên phương pháp, nhiều người thường nghĩ rằng đây là việc thực hiện các dự án. Điều này đúng nhưng chưa thực sự đủ. Thực tế, Học tập qua Dự án có ý nghĩa hơn cả việc thực hiện các dự án. Dự án chỉ là phương tiện để truyền tải những kiến thức và kỹ năng quan trọng mà học sinh cần phải học. Nói cách khác, giáo viên đóng vai trò như một người hướng dẫn. Thầy cô giúp định hướng và điều chỉnh học sinh. Học sinh trở thành những nhà nghiên cứu năng động và học tập từ chính quá trình làm dự án. Vai trò này cũng tương tự trong những lớp học trực tuyến.

Vậy, Học tập qua Dự án mang lại những lợi ích nào với nền giáo dục nước nhà? Hãy cùng tìm hiểu trong những phần tiếp theo.

1. Kết nối người học với thực tế cuộc sống

Trong giáo dục, việc áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, học đi đôi với hành là nhiệm vụ quan trọng nhất với tất cả học sinh. Hiển nhiên, việc đọc tài liệu thì luôn luôn dễ hơn thực hành. Ví dụ, ngồi đọc những cuốn sách hướng đến cải thiện thái độ sống thì thật dễ dàng. Tuy nhiên, việc tạo thói quen sống lành mạnh, tích cực thì khó hơn hẳn. 

Giờ đây, trong Học tập qua Dự án, học sinh sẽ phải đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống được mô phỏng dưới dạng những dự án. Để tìm ra giải pháp cho các vấn đề, học sinh cần đặt ra những câu hỏi định hướng. Sau đó tự mình giải đáp những câu hỏi này. Tiếp theo, học sinh cùng nhau tìm kiếm những thông tin có liên quan, tiến hành khảo sát về thực trạng và phân tích số liệu. 

Lợi ích của học tập qua dự án là kết nối người học với thực tế cuộc sống

Nguồn ảnh kirill_sobolev từ Pixabay 

Ví dụ, với một dự án về chủ đề Bảo vệ Môi trường và câu hỏi định hướng: Làm sao để giảm tải việc sử dụng túi nilon? Điều này có nghĩa là học sinh sẽ phải tiến hành khảo sát về việc người dân nơi mình sinh sống sử dụng túi nilon như thế nào, những tác hại của túi nilon và làm sao để hạn chế, giảm tải việc sử dụng chúng. Bằng cách đó, học sinh được đến gần hơn với thực tế cuộc sống. Các em không còn chỉ là những con mọt sách. Kết quả là, học sinh tích lũy kiến thức trong quá trình tự mình thực hiện dự án. Đồng thời, họ sẽ có thái độ tích cực về quá trình giáo dục, đào tạo. 

Bước đầu, học sinh sẽ làm việc cá nhân để thu thập dữ liệu về thực trạng nơi mình sinh sống. Tiếp đến, học sinh có thể kết nối trực tuyến để chia sẻ thông tin. Hoặc làm việc trực tiếp với nhau, cùng nhau thảo luận và hoàn thiện dự án. Môi trường trực tuyến cung cấp thời gian và không gian học tập linh hoạt cho học sinh. Hai yếu tố này thường bị giới hạn trong những lớp học trực tiếp. 

2. Phát triển kỹ năng của thế kỷ 21

Chuẩn bị hành trang cho học sinh sẵn sàng bước ra thế giới không phải là nhiệm vụ dễ dàng với bất cứ nhà giáo dục nào. Quả thực, người học trước đây khác rất nhiều so với người học thời đại này. Xã hội thay đổi từng ngày với một nhịp độ phát triển nhanh chóng. Thực tế đã chứng minh rằng học sinh cần phát triển một loạt các kỹ năng để thích ứng với môi trường đại học hay công việc tương lai. Những kỹ năng đó được gọi là Những kỹ năng của thế kỷ 21. Và học sinh có thể có được nhờ Học tập qua Dự án.

3 nhóm kỹ năng

Khi thực hiện một dự án, học sinh sẽ có cơ hội tư duy độc lập và sáng tạo. Đồng thời, họ sẽ cùng hợp tác làm việc, đạt đến một sự thống nhất, học cách truyền tải ý tưởng cá nhân hiệu quả, v.v. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề, học sinh sẽ phải hiểu thực tế vấn đề, phân tích số liệu và tóm tắt số liệu thu thập được. Để xử lí chính xác số liệu, học sinh phải sử dụng thành thạo máy tính.

Nói cách khác, Học tập qua Dự án giúp học sinh phát triển các kỹ năng để tồn tại, thích ứng và phát triển toàn diện trong một xã hội hiện đại với nền kinh tế tri thức và ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, học sinh có thể giải quyết mọi nhiệm vụ học tập trong tương lai một cách dễ dàng.  

3. Khẳng định tiếng nói và lựa chọn của học sinh

Có thể thấy, đây là một lợi ích to lớn mà phương pháp Học tập qua Dự án mang lại. Theo nhà tâm lý học Abraham Maslow, con người có 5 bậc nhu cầu cơ bản. Trong đó,nhu cầu khẳng định bản thân là nhu cầu cao nhất. Điều này giải thích tại sao chúng ta luôn khao khát thể hiện quan điểm và khẳng định tiếng nói của mình với mọi người xung quanh. Nếu học sinh không được thể hiện quan điểm riêng của mình khi giải quyết vấn đề và trả lời câu hỏi định hướng, dự án quả thực không khác gì một bài tập bình thường.

Trong những môn học hay khóa học Học tập qua Dự án, học sinh có thể tự mình kiểm soát nhiều khía cạnh của dự án, từ việc đặt câu hỏi, quản lý thời gian, sử dụng những tài liệu nào đến vai trò, vị trí họ đảm nhận trong nhóm hay sản phẩm dự án được tạo ra dưới hình thức nào, v.v.

Khẳng định tiếng nói và lựa chọn của học sinh

Ví dụ, học sinh có hứng thú với các vấn đề về môi trường. Họ có thể lựa chọn một chủ đề cho dự án được gợi ý dưới đây. Một là, bảo vệ nguồn nước. Hai là, bảo vệ động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng hay. Ba là, cải thiện mức độ ô nhiễm không khí… Trong thời đại 4.0, học sinh có thể trình bày kết quả theo nhiều cách. Những sản phẩm như video, bài thuyết trình, bài báo, trò chơi tương tác đều được đánh giá cao. Bằng cách này, sản phẩm của dự án có thể được nhiều người biết đến hơn.

4. Đánh giá chính xác đầu ra của học sinh

Như đã nói trước đó, học sinh phải sử dụng nhiều kỹ năng để hoàn thiện một dự án. Do đó, người hướng dẫn có thể đánh giá khả năng của học sinh qua quan sát, thu thập, phân tích và tóm tắt dữ liệu. Nói cách khác, người hướng dẫn sẽ có cơ hội tốt hơn để đánh giá năng lực của  học sinh. Nó sẽ tốt hơn những bài tiểu luận hay bài kiểm tra miệng thuộc lòng. Hơn thế, kết quả sẽ thực sự ý nghĩa khi học sinh thực hiện dự án bằng cả tâm huyết. Đó là sản phẩm của sự hợp tác và quá trình làm việc hăng say.  

Đánh giá đầu ra của học sinh chính xác hơn

Nguồn ảnh Gerd Altmann từ Pixabay 

“Chúng ta không học từ trải nghiệm. Chúng ta học từ phản ánh những trải nghiệm” (John Dewey). Thông qua một khóa Học tập qua Dự án, nó có thể phản ánh điều người học đã học được, họ học như thế nào và học để làm gì. Ngoài ra, người hướng dẫn có thể đưa ra những phản hồi tích cực cho mỗi dự án để giúp học sinh cải thiện và làm tốt hơn trong tương lai. 

Tổng kết

Như vậy, những lợi ích trên đã cung cấp một cái nhìn tổng quát về Học tập qua Dự án. Đó là lý do tại sao phương pháp này được xem như phương pháp học tập của thế kỷ 21 và đang được ứng dụng rộng rãi trong các nhà trường và cả trong những lớp học trực tuyến. Bạn đã sẵn sàng để tham gia vào các khóa học Học tập qua Dự án chưa? Hãy nhớ rằng bạn luôn luôn có ActivePresenter là người bạn đồng hành. Hãy tải ActivePresenter ngay hôm nay và thiết kế khóa học Học tập qua Dự án của riêng mình.

activepresenter 9
activepresenter 9

Hy vọng bạn có những trải nghiệm tuyệt vời với phần mềm thiết kế bài giảng chuyên nghiệp của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm trang Bài viết thường xuyên để cập nhật nhiều xu hướng eLearning như Game hóa, Học tập kết hợp, Học tập từng bước nhỏ và nhiều xu hướng khác.  

Xem thêm: