Phương Pháp Học Tập Kết Hợp Và Sự Thay Đổi Vai Trò Của Giáo Viên
Hình thức giáo dục truyền thống kết hợp với trực tuyến đã tạo ra một phương pháp học mới – Phương pháp Học tập kết hợp (Blended learning). Vậy, phương pháp này là gì? Nó đã thay đổi vai trò của giáo viên như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu những nội dung trên trong bài viết này.
Như chúng ta đã biết, phương pháp học trực tuyến có nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận những mặt tích cực của phương pháp giảng dạy truyền thống (giảng dạy trực tiếp). Vì vậy, mô hình học tập kết hợp giữa 2 phương pháp trên đã và đang được áp dụng ở nhiều trường đại học và được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm. Hiện tại, đây là phương pháp không quá mới nhưng vẫn được xem là một xu hướng trong tương lai. Vậy, cụ thể hơn, phương pháp Học tập kết hợp là gì? Vai trò của giáo viên trong phương pháp này đã thay đổi ra sao? Hãy cùng tìm đáp án cho hai câu hỏi trên trong phần tiếp theo của bài viết.
Phương Pháp Học Tập Kết Hợp Là Gì?
Định nghĩa về Học tập kết hợp (Blended Learning) đã được đưa ra trong Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT ngày 22/4/2016. Đây là về Quy định Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng trong các cơ sở giáo dục đại học. Theo mục 1a – Điều 2. Giải thích Từ ngữ: “Đào tạo kết hợp (Blended learning) là việc kết hợp phương thức học tập điện tử (e-Learning) với phương thức dạy – học truyền thống (theo đó người dạy và người học cùng có mặt) nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo và chất lượng giáo dục”.
Đó là một định nghĩa chung nhất về phương pháp Học tập kết hợp. Trên thực tế, nó phụ thuộc vào bối cảnh từng nơi áp dụng. Theo Phạm Thị Thu Huyền (2021), “Mô hình Blended learning là sự kết hợp giữa mô hình dạy học truyền thống và mô hình dạy học trực tuyến theo một tỷ lệ nhất định, tỷ lệ này có thể tăng giảm tùy thuộc vào mức độ áp dụng”.
Dù có nhiều định nghĩa về phương pháp này, nhưng Học tập kết hợp luôn có 3 yếu tố sau:
- Công nghệ số, kỹ thuật và những thành tố eLearning.
- Hoạt động tương tác trực tiếp (phương thức học tập truyền thống).
- Học tập độc lập (phương pháp học tập cá nhân khi học trực tuyến).
Theo phương pháp Học tập kết hợp, người học và người hướng dẫn thường có những hoạt động dưới đây.
Hoạt Động Của Người Học
Trong những khóa học kết hợp, người học có thể tận hưởng không gian tự do của eLearning. Đồng thời, họ có cơ hội tương tác ngoại tuyến với người hướng dẫn và bạn học. Về eLearning, người học sẽ học tập trên những tài liệu trực tuyến được cung cấp từ người hướng dẫn. Ví dụ, họ sẽ xem video, đọc tài liệu, trở thành thành viên của cộng đồng học tập trực tuyến. Sau đó, họ hoàn thành những việc được phân công. Tất cả đều xảy ra trong môi trường học tập ảo. Bên cạnh đó, về mặt học tập trực tiếp, người học vẫn đến lớp để tham gia vào những hoạt động cá nhân.
Hoạt Động Của Người Hướng Dẫn
Người hướng dẫn chịu trách nhiệm thiết kế và phân chia những tài liệu học tập online. Đó có thể là video, tài liệu, khóa học trực tuyến… cho người học tập ở nhà. Thông qua các kênh thông tin, họ sẽ chỉ dẫn phương pháp và cho phép người học luyện tập ngay sau đó. Từ đó, người học có thể dễ dàng nắm bắt được nội dung bài học và phương pháp học. Tiếp theo, người dạy sẽ giao nhiệm vụ và giám sát người học bằng các công cụ quản lý. Cuối cùng, họ sẽ đưa cho người học phản hồi để cải thiện và nâng cao chất lượng học tập.
Sự Thay Đổi Vai Trò Của Giáo Viên Trong Phương Pháp Học Tập Kết Hợp
Trong phần trên, bạn có thể thấy rằng “người hướng dẫn” là từ được sử dụng khá nhiều. Nó được dùng để miêu tả người truyền tải kiến thức đến người học. Vậy tại sao những từ tương tự như “giáo viên” hay “giảng viên” lại không được sử dụng? Đó là vì, “giáo viên” hay “giảng viên” không hoàn toàn phù hợp với ngữ cảnh của Học tập kết hợp.
Trong một lớp học truyền thống, giáo viên đóng vai trò trung tâm của lớp học. Họ là người duy nhất truyền đạt kiến thức cho học trò. Tuy nhiên, với Học tập kết hợp, người hướng dẫn không chỉ là người mang đến nguồn thông tin chính. Họ còn là một “Người huấn luyện”, “Người cố vấn”. Họ dẫn dắt, hướng dẫn và rèn luyện người học có thể học độc lập. Giờ đây họ đảm đương nhiều sứ mệnh và thách thức hơn trước đó.
Nguồn ảnh Gerd Altmann from Pixabay
Tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu ba vai trò chính của người hướng dẫn trong Học tập kết hợp.
Chuẩn Bị Tài Liệu Trực Tuyến Và Tài Liệu Trực Tiếp
Trong phần hoạt động của người học và người hướng dẫn ở trên, có thể thấy rằng tài liệu trực tuyến và trực tiếp đóng vai trò rất quan trọng. Đây là nguồn cung cấp thông tin chính trong phương pháp học tập này. Nó được người hướng dẫn thiết kế ra, tìm ra, thu thập lại và gửi cho người học. Để tạo ra tài liệu học tập trực tuyến tốt nhất, người hướng dẫn cần chịu khó tìm hiểu, phân tích và chắt lọc ra các thông tin phù hợp với bài giảng và người học. Việc này đòi hỏi khá nhiều kỹ năng tư duy và sắp xếp logic.
Ngoài ra, người hướng dẫn cần cải thiện khả năng công nghệ thông tin của mình, đặc biệt là học cách sử dụng công cụ thiết kế eLearning. Đây cũng là một kỹ năng vô cùng cần thiết để bài giảng online thêm cuốn hút người học trực tuyến.
Đảm Bảo Sự Kết Nối Chặt Chẽ Giữa Học Trực Tuyến Và Trực Tiếp
Một khóa học kết hợp thành công là khóa học có sự liên kết chặt chẽ giữa sự hướng dẫn tại lớp học trực tuyến và trực tiếp. Trong eLearning, học tập cá nhân, độc lập, tự giác đóng vai trò chủ đạo. Còn khi học trực tiếp sẽ có các hoạt động trao đổi, giải đáp thắc mắc giữa người hướng dẫn – người học, và giữa người học với nhau.
Trong phương pháp Học tập kết hợp, hai hoạt động trực tuyến và trực tiếp hỗ trợ lẫn nhau. Nó giúp trải nghiệm học tập trở nên phong phú hơn, góp phần tăng hiệu quả đầu ra của người học. Để đảm bảo sự kết nối và tỉ lệ giữa hai hình thức học, giáo án cần được chuẩn bị cẩn thận, chi tiết. Cụ thể hơn, người hướng dẫn phải xác định cách xây dựng tài liệu học tập trực tuyến để đồng thời thực hiện được những hoạt động học tập trực tiếp một cách hiệu quả nhất.
Nguồn ảnh Gerd Altmann từ Pixabay
Theo Sát Tiến Trình Học Tập
Theo sát tiến trình học tập cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng trong đào tạo kết hợp. Bởi nó chính là công cụ đánh giá của người hướng dẫn. Và đây cũng là Động lực ngoài (Extrinsic motivation) cho người học. Phần lớn thời gian học trực tuyến của người học không có sự giám sát của người hướng dẫn. Vì thế, việc theo sát tiến trình giúp người hướng dẫn biết được mức độ hiểu bài của người học. Đồng thời, người hướng dẫn có thể giải thích những phần chưa rõ, cung cấp thêm thông tin và đưa cho người học những phản hồi hợp lý. Ngoài ra, theo sát tiến trình cũng giúp đánh giá tính hiệu quả của khóa học. Nhờ đó, người hướng dẫn có thêm sự điều chỉnh phù hợp và cần thiết cho những khóa học sau.
Kết Luận
Phương pháp Học tập kết hợp là sự kết hợp của phương pháp học tập truyền thống và trực tuyến. Nó giúp cá nhân hóa những trải nghiệm học tập của người học. Điều này giúp thúc đẩy động lực học tập và khả năng của họ. Về phía người hướng dẫn, họ có cơ hội để nâng cao nhiều kỹ năng. Họ có thể tìm hiểu cách chuẩn bị tài liệu để xây dựng bài giảng khoa học. Đồng thời, họ đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa hai hình thức học. Ngoài ra, người hướng dẫn còn có cơ hội nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin. Kỹ năng này nhằm thiết kế bài giảng và quản lý người học tốt hơn. Do đó, Học tập kết hợp đã trở thành một trong số những xu hướng học tập hiệu quả trong những năm gần đây.
Nếu bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn về các phương pháp học tập và tạo ra những chủ đề eLearning thú vị, hãy ghé thăm trang Bài viết của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng giúp bạn tạo ra những khóa học trực tuyến hấp dẫn và có giá trị với công cụ thiết kế ActivePresenter. Hãy bấm vào nút dưới đây để tải về và trải nghiệm các tính năng thông minh và dễ sử dụng.
Xem thêm